Nhân tài bao giờ cũng thuộc về số ít (*)

Hà Vũ Hiển

Khi tổ chức cần người già
Thì ta vẫn còn trẻ
Khi tổ chức cần người trẻ
Thì ta đã về già
Khi tổ chức cần đàn bà
Thì ta là đàn ông
Khi tổ chức cần công nông
Ta trót là trí thức
Khi tổ chức cần người có đức
Ta lại trót là người có tài…

Có lẽ đó là những lời kêu ca một cách hài hước của những người cảm thấy luôn luôn “nhỡ thời”, không được “xã hội” trọng dụng vì các tiêu chuẩn “quy hoạch cán bộ” thiên về cơ cấu hay lứa tuổi để phù hợp với các “yêu cầu chính trị của đất nước” ở từng thời kỳ khác nhau. “Xã hội” trong ngữ cảnh trên được hiểu theo nghĩa hẹp là các cơ quan thuộc hệ thống nhà nước, nơi đề ra các tiêu chuẩn đó.

Những năm gần đây, tiêu chuẩn tuyển chọn cán bộ của Nhà nước cũng đã được cải tiến và thay đổi nhiều. “Xã hội” cũng đã được mở rộng hơn ra ngoài khu vực “quốc doanh” nên người có thực tài có nhiều “kênh” đa dạng hơn để phát triển sự nghiệp của mình. Hơn 6.400 cán bộ, công chức bỏ việc, thôi việc tại các cơ quan Nhà nước ở thành phố Hồ Chí Minh mà báo Tuổi Trẻ đưa tin ngày 3/6/2008 là một ví dụ cụ thể. Và điều này không hẳn chỉ xuất phát từ  tiền lương thâp mà còn do môi trường làm việc chưa tạo cơ hội tốt cho người có năng lực thăng tiến, việc bố trí cán bộ không phù hợp… như thừa nhận của UBND TP.

Thực ra thì các cơ quan Nhà nước bây giờ khi tuyển người cũng như khi bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo đều đưa ra các tiêu chuẩn rất khắt khe về tuổi tác, năng lực, trình độ… Nhưng tại sao chúng ta vẫn cảm thấy ít có những nhân vật xuất sắc trong “hệ thống của chúng ta” so với những “hệ thống” mà chúng ta thấy ở rất nhiều nước khác. Không những thế, lại còn có tình trạng chạy chức, chạy quyền ở mọi cấp, mọi nơi gia tăng, “dù về mặt pháp lý, quy định đã khá chặt chẽ…” nhưng trên thực tế, “con voi vẫn chui lọt lỗ kim” như phát biểu của ĐBQH Lê Văn Cuông được VietNamNet trích dẫn lại ngày 22/5/2008.

Vấn đề là ở chỗ mặc dù “hệ thống của chúng ta”  cũng đặt ra các quy chuẩn có vẻ rất chặt chẽ, nhưng trong rất nhiều trường hợp chính cái quy chuẩn ấy lại là cái cớ, một thứ “rào cản kỹ thuật” cứng nhắc để cố tình hay vô tình gạt bỏ những người vừa có tâm lại vừa có tài một cách thực sự trong khi lại mở toang cửa cho “những con voi” đi vào.

Chẳng hạn như ở những nơi người ta đặt ra “quy hoạch cán bộ” là không bổ nhiệm người trên 50 tuổi thì rất có thể sẽ có những người từ 51 tuổi trở lên tuy rất xuất sắc nhưng sẽ bị loại, hoặc cũng sẽ có nhiều ông phải lo “chạy” giấy khai sinh cho đủ tiêu chuẩn. Nếu ở một nơi nào khác, người ta quy định phải 30 tuổi trở lên mới đủ “chín chắn” để được bổ nhiệm, thì rất có thể sẽ có người đặc biệt xuất sắc và có uy tín nhưng sẽ bị loại chỉ vì anh ta mới 29 tuổi. Hoặc ở một nơi khác nữa, người ta quy định cán bộ lãnh đạo phải có bằng thạc sỹ trở lên, thì rất có thể sẽ có một loạt những người có tài thực sự nhưng chỉ mới có bằng đại học sẽ bị loại để nhường chỗ cho những ông “thạc sỹ giấy” hoặc “tiến sỹ giấy”, hoặc cũng sẽ có ông phải lo đi “chạy” bằng.

Mặt khác: – Đa số những người già thì vừa yếu về sức khỏe, suy nghĩ chậm hơn người trẻ nhưng lại có những ông già rất thông minh, sáng tạo hoặc vẫn khỏe hơn nhiều thanh niên, tất nhiên đây chỉ là số ít.

– Đa số những người trẻ dưới 30 tuổi thì còn bồng bột, thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống và trong công việc…, nhưng lại cũng có một số ít những anh chàng hoặc cô nàng ở lứa tuổi này không những rất thông minh mà lại còn rất chín chắn.

– Đa số những người có bằng cấp cao thì có trí tuệ cao hơn những người có bằng cấp thấp hơn, nhưng cá biệt lại có những người có ít bằng cấp, bằng cấp không cao hoặc thậm chí không có bằng cấp lại có trí tuệ hơn rất nhiều người có bằng cấp cao hơn (như ông Tạ Quang Bửu là một ví dụ)…

Có thể nhiều bạn nói rằng, đó chỉ là SỐ ÍT, là CÁ BIỆT.

Nhưng xin thưa rằng, những nhân tài thực sự bao giờ cũng thuộc về SỐ ÍT, thuộc về CÁ BIỆT, họ chưa bao giờ thuộc về số đông.

Vì thế nên Bill Clinton mới làm Tổng thống Mỹ khi mới ngoài 40 tuổi còn Reagan khi đã ở gần cái tuổi 80 vẫn còn là Tổng thống Mỹ.

Không phải vì dưới thời Bill Clinton, nước Mỹ thay đổi tiêu chuẩn về tuổi tác trong “quy hoạch cán bộ” so với thời Reagan.

Đơn giản là vì nước Mỹ chỉ chọn người có THỰC TÀI. Và nếu tôi không nhầm thì trong thành phần chính phủ Anh cách đây vài năm còn có vị bộ trưởng chưa có bằng đại học. Và các nước ấy đã phát triển được thành những nước tiên tiến cũng một phần, nếu không nói phần lớn, là vì họ biết phát hiện và trọng dụng nhân tài.

(*)  Bài đã đăng trên Tuần Việt Nam với tiêu đề (do TVN đặt):  “Quy hoạch” cán bộ – thường hay nhỡ thời?

5 Responses to Nhân tài bao giờ cũng thuộc về số ít (*)

  1. Doan Tran says:

    Có lần Lê Duẫn nói với con:”Bằng tuổi mày tao đã đã vào TW” Lê Duẫn sinh năm 1907 vào TW năm 1939 lúc 32 tuổi. Gần đây báo chí đưa tin người quyền lực nhất thế giới là Hồ Cẩm Đào Ông từng là ủy viên trẻ tuổi nhất của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, được bầu vào Trung ương Đảng năm 1982, khi mới 39 tuổi. Còn ở VN hiện nay không có thông tin về độ tuổi của UV TW Đảng nhưng dường như đều trên 40 tuổi. Và người ta quy định người mới được giới thiệu vào BCH TƯ không quá 55 tuổi, nếu tái cử không quá 60 tuổi. Ta có thể nói chính sách loại người tài của VN là “trẻ không tha già không dung”.
    Tôi nói chính sách loại người tài vì như tác giả viết :”Vấn đề là ở chỗ mặc dù “hệ thống của chúng ta” cũng đặt ra các quy chuẩn có vẻ rất chặt chẽ, nhưng trong rất nhiều trường hợp chính cái quy chuẩn ấy lại là cái cớ, một thứ “rào cản kỹ thuật” cứng nhắc để cố tình hay vô tình gạt bỏ những người vừa có tâm lại vừa có tài một cách thực sự trong khi lại mở toang cửa cho “những con voi” đi vào.”
    Vì có quá nhiều người không tài nên người ta tìm cách cho nhân dân thấy là người ta “tài thật” bằng bằng cấp. Chưa có nước nào có cán bộ có nhiều bằng tiến sĩ như VN và có nơi như Hà Nội còn muốn 100% cán bộ do thành ủy quản lý có bằng tiến sĩ.
    Ở các nước giãy chết, người dân nhìn người tài bằng tranh cử tự do, nhìn UCV diễn thuyết trước đám đông, tranh luận trên truyền hình, trả lời phỏng vấn, giới thiệu chương trình tranh cử và quan điểm của mình trước những vấn đề nóng bỏng xã hội. Nếu là dân biểu nghị sĩ thì nhìn vào quá trình hoạt động và voting record (ông đã bỏ phiếu thuận và chống những vấn đề nào) Nhân dân qua lá phiếu của mình chính là các giám khảo lựa chọn nhân tài. Nhân tài cũng là số ít như thi hoa hậu vây. Nếu hoa hậu được lựa chọn theo cơ cấu, theo sự quen biết, chạy chọt thì thì người dân sẽ thấy ngay.
    Vì thế cái thể chế mà trong đó người tài được phát hiện chọn lựa công bằng và giám sát qua lá phiếu của người dân rất quan trọng sự phát triển đất nước.

    ĐT

    • hahien says:

      “…chính sách loại người tài của VN là “trẻ không tha già không dung…” – Một nhận xét rất cô đọng mà lại bao quát đẻ diễn tả chính xác tình trạng “chọn (“loại” thí có vẻ đúng hơn) người tài” của “hệ thống chúng ta”, cũng có thể coi là một tóm lược rất hay cho nội dung bài viết này của chủ blog. Xin cám ơn anh Doan Tran.

      Sau khi đọc bài này, có người nhắn tin hỏi liệu chủ blog này có phải tự coi mình là “người tài” không mà nội dung bài viết có vẻ “bất mãn”… Xin thưa rằng, chủ blog này không dám nghĩ như vậy mà chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc (xin được dùng chử của cụ HCM), là được tự do dùng lá phiếu của mình mà bầu chọn những người tài thực sự khôi ngô, tuấn tú, mắt sáng như sao, cái tâm cái tài toát ra ngay từ thần thái chứ không tối om om… ra giúp dân, giúp nước, những người không cần phải được ai giới thiệu, ai “cơ cấu”, ai “hiệp thương” mà tự họ thể hiện bản thân mình bằng các chương trình, kế hoạch, việc làm cụ thể thực sự ích nước lợi nhà.

  2. Pingback: Nếu đúng quy trình thì sai ở đâu? « Hahien's Blog

  3. Pingback: Thủ tướng 31 tuổi, chưa có bằng đại học của Áo | Hahien's Blog

  4. Pingback: Không được công nhận hiệu trưởng, ‘GS quần đùi’ chia tay ĐH Hoa Sen | Hahien's Blog

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.