Thử bênh cô Chu Ngọc Thanh 1 tí

 

Hà Hiển

Tui không phải là nhà phê bình văn học hay thơ ca nên không dám có ý kiến ý cò gì nhiều về bài thơ được thủ tướng khen đang làm dậy sóng cộng đồng mạng của cô giáo Chu Ngọc Thanh mà chỉ quan tâm đến chi tiết được đề cập trong một bài viết về bài thơ này mới đăng trên BBC như sau:

“… Nhà thơ Hồng Minh thì bình luận với BBC News Tiếng Việt: “Bài thơ được thủ tướng khen tặng có hiệu ứng mạnh, thực hiện sứ mệnh quảng bá của thơ ca là điều tích cực. Tuy nhiên, cần lưu ý vấn đề thông tin sai sự thật:

“Với con tàu đang khóc giữa đại dương
Mình mở cửa đón họ vào bến cảng
Chẳng phải bởi vì mình không lo dịch nạn
Mà chỉ là vì mình không thể thờ ơ.”

Theo nhà thơ, chi tiết này sai nghiêm trọng: “Thực tế Thủ tướng Hun Sen của Campuchia là người đón du thuyền MS Westerdam chứ không phải Việt Nam. Vì vậy, quyết định khen tặng bài thơ này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc càng không chính xác, có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia”…

Ngoài chi tiết này thì dân mạng cũng chỉ ra một điều “bịa” khác như việc cô Thanh kể trong bài thơ là bộ đội phải ra ngoài rừng ngủ để nhường doanh trại cho người dân phải được cách ly…

Tôi thì lại cho rằng những chi tiết bịa này mới chính là những “điểm nhấn” rất ấn tượng của bài thơ nếu chúng ta biết rằng trong nền thơ ca hò vè của Việt Nam thì “vè nói ngược” đã được công nhận là một thể loại văn học dân gian đặc sắc của nước nhà mà có lẽ không nơi nào trên thế giới có được.

Ví dụ như đây là một vài câu mà tui st được trên mạng:

“Ve vẻ vè ve,
Cái vè nói ngược.
Non cao đầy nước,
Đáy biển đầy cây.

Dưới đất lắm mây,
Trên trời lắm cỏ.
Người thì có mỏ,
Chim thì có mồm.

Thẳng như lưng tôm,
Cong như cán cuốc.
Thơm nhất là ruốc,
Hôi nhất là hương.

Đặc như ống bương,
Rỗng như ruột gỗ.
Chó thì hay mổ,
Gà hay liếm la.

Xù xì quả cà,
Trơn như quả mít.
Meo meo là vịt,
Quạc quạc là mèo…”

hoặc mấy câu này:

“Ve vẻ vè ve
Nghe vè nói ngược
Mau mau tỉnh dậy
Mà đi ra đồng,
Bới đất tìm chim
Sư chùa gian ác,
Què đi công tác
Lác lái máy bay
Cụt tay đào hầm
Thằng câm gọi điện
Chị điếc nghe đài,
Ông móm nhai xương
Bà mù đọc báo…”

Vậy thì nếu “thằng câm gọi điện, chị điếc nghe đài”, “lác lái máy bay”, hoặc vịt còn “meo meo” hay mèo còn “quạc quạc”… được thì việc bộ đội thì nằm ở ngoài rừng còn nhân dân thì ở trong doanh trại – như cô Thanh viết – chỉ là chuyện nhỏ!

Hoặc bảo rằng Việt Nam mở cửa đón tàu bè bốn phương trong mùa dịch trong khi thực tế không phải vậy thì cũng chỉ là một cách “nói ngược”, cũng là nói phét 1 tí cho vui, là kế thừa thủ pháp nghệ thuật của những câu “vè nói ngược” do cha ông chúng ta để lại thôi mà, có cháy nhà chết người gì đâu mà dân mạng cứ ầm ĩ cả lên!

Nói thế để cũng thấy rằng nếu thủ tướng có khen bài thơ với những chi tiết “bịa đặt” như đã đề cập ở trên thì cũng là chuyện nhỏ.

Khối tác phẩm, từ tiểu thuyết đến thơ ca của các “cây đa cây đề” trong “làng văn học cách mạng Việt Nam” như các cụ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu… và nhiều cụ khác nữa bịa còn kinh hơn nhiều mà còn được các giải thưởng lớn của nhà nước thì sao !

Đấy chẳng qua cũng chỉ là các vị ấy đã biết phát huy cái truyền thống nói ngược, nói phét của quân và dân ta lên những… tầm cao mới mà thôi. Cô Thanh nói ngược một tí thế đã ăn thua gì !

Ai chứ cái lão Hun Sen đã từng làm luận án tiến sĩ ở Học viện chính trị cao cấp của ta thì chắc cũng sẽ thông cảm với bác Phúc thôi mà !

Thấy bài thơ của cô Thanh bị chê bai ghê quá nên tui xin có mấy lời có cánh bênh cổ như vậy thôi. Tính tui thế, cứ ai bị “ném đá” nhiều là tui lại bới lông tìm vết để khen hoặc để bào chữa bằng được cho các đương sự.

Vì tui có cái máu luật sư ở trong người.

One Response to Thử bênh cô Chu Ngọc Thanh 1 tí

  1. Trâm Oanh says:

    Tôi thì đọc có nửa bài rồi “ôi dào thơ thẩn” và chuyển đài, những loại thơ như thế đã có Thủ tướng khen rồi thì anh còn bình làm gì???

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: