Thức thời hay dân trí thấp?

 

Hà Hiển

Trong bài báo Cám ơn “ngài” Google đăng trên trang Người lao động, tác giả Lê Chân Nhân đã đề cập đến một thống kê từ Google cho biết 10 vấn đề mà người Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất trên mạng là:

1 – Vợ người ta,
2 – Âm thầm bên em (bài hát)
3 – Không phải dạng vừa đâu (bài hát),
4 – How-Old.net (ứng dụng đoán tuổi một bức ảnh của Microsoft),
5 – Fast Furious 7 (phim),
6 – Khuôn Mặt Đáng Thương (bài hát),
7 – Em Của Quá Khứ,
8 – Cười Xuyên Việt (hài),
9 – Cô Dâu 8 Tuổi (phim Ấn Độ) và
10 – Chàng Trai Năm Ấy (phim)

trong khi 10 vấn đề mà người Singapore quan tâm tìm kiếm là:

1 – PSI Singapore (mức độ ô nhiễm không khí của Singapore, nước này bị ô nhiễm không khí nặng do cháy rừng),
2 – Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore qua đời,
3 – SEA Games,
4 – WhatsApp Web,
5 – iPhone 6s,
6 – Amos Yee (một blogger bị cảnh sát truy tố,
7 – MERS (sự lây lan của Hội chứng hô hấp cấp từ Trung Đông),
8 – QZ8501 (máy bay AirAsia bị rơi),
9 – Lý Vỹ Linh (con gái thủ tướng Lý Quang Diệu) và
10 – Lý Hiển Long (con trai của ông Lý Quang Diệu và hiện là Thủ tướng của Singapore).

Với thông tin trên, tác giả bài báo cho rằng so với giới trẻ ở Singapore quan tâm nhiều đến các vấn đề chính trị – xã hội nghiêm túc, giới trẻ Việt Nam (với lập luận rằng những người hay tiếp cận Internet phần lớn là thanh niên) chỉ quan tâm “những thứ có thể coi là nhảm nhí”, những bài hát gần như “không tên” và trong các “giá trị” mà các bạn trẻ Việt Nam tìm kiếm thì “không thấy một “giá trị” nào ngoài chuyện ca hát, phim ảnh và những thứ… linh tinh” trong khi những vấn đề đáng lẽ ra cần phải quan tâm nhiều hơn như chuyện “Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa, chủ quyền quốc gia” hay chuyện “tham nhũng tràn lan, giáo dục tụt hậu” v.v… thì lại “không đáng lo”.Từ đó tác giả kết luận “dân trí Việt Nam còn thấp, khoảng cách phía sau quá xa với các quốc gia phát triển, chúng ta tụt hậu về kinh tế và cũng tụt hậu về nhiều mặt khác như văn hóa”

Chuyện “dân trí” thế là thấp hay cao có lẽ sẽ còn nhiều ý kiến tùy theo những góc nhìn khác nhau. Mình thì chỉ nghĩ đơn giản rằng nếu những thông tin trên là chính xác thì chỉ có thể chứng minh ngay được một điều là giới trẻ Việt Nam rất thức thời. Ở những quốc gia như Việt Nam mà những vấn đề chính trị – xã hội hệ trọng của đất nước đã có “người lớn” lo hết rồi thì “giới trẻ” khỏi cần phải lo làm gì nữa, mà muốn lo thì cũng chẳng được vì ai cho lo mà lo, cứ cố tình lo “bò không trắng răng” vừa mệt đầu, không khéo… “chẳng phải đầu lại phải tai” tự rước họa vào mình.

Thức thời phải chăng cũng là một kiểu khôn ngoan. Mà kẻ khôn ngoan chắc không thể thuộc loại có dân trí thấp?

Vô tư đi, đừng quá lo lắng quá về chuyện dân trí. Đâu khắc có đó! Đến khi nào “người lớn” lực bất tòng tâm, không còn đủ sức mà “lo” nữa, muốn nắm cũng phải buông, thì có lẽ mới có câu trả lời chính xác.

4 Responses to Thức thời hay dân trí thấp?

  1. 真 忍 活 says:

    Lại nhớ bài “Nghịch lý của thị trường lao động thời kỹ thuật số” trên GNA.
    “Người xứ mình đón đầu công nghệ chỉ để lên internet, chơi game, chém gió, nói chung là giải trí. Chẳng thấy họ có nhu cầu cần đến lực lượng lao động làm về công nghệ….”

  2. Pingback: 💧💰🎓🌏🎭🎨🎵🎬 (5) | 真 忍 活

  3. Pingback: Thức thời hay dân trí thấp? (Hà Hiển) | Ngoclinhvugia's Blog

  4. Pingback: Dân trí thấp vì tìm ‘Vợ người ta’ trên Google: Khéo lo hão! | Hahien's Blog

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.