Về ba câu hỏi của ông Nguyễn Quân

 

Hà Đăng Hiển
(Tác giả gửi Blog Hahien)

Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân. Ảnh: Nguyễn Tân - Nguồn ảnh: VTC News

Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân. Ảnh: Nguyễn Tân – Nguồn ảnh: VTC News

Trang VNEpress mới đây đưa tin tại buổi thảo luận về chủ đề Phát Triển Khoa Học Công Nghệ Trong Thời Kỳ Hội Nhập chiều ngày 12/12/2015, ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa Học và Công Nghệ trăn trở với việc vì sao người du học không muốn về nước, và ông đề nghị mọi người trả lời giúp ông ba câu hỏi.

Tôi là công chức của Bộ dưới thời 4 bộ trưởng trước ông Quân, khi về hưu đã có ý định không quan tâm thêm nữa đến công việc của người đương chức, lần này phá lệ để trả lời 3 câu hỏi của ông Quân, đương nhiên là chỉ để ông tham khảo.

Câu hỏi 1: Vì sao người Việt có trí tuệ, học tập không thua kém các dân tộc khác nhưng đất nước lại không phát triển nhanh như kỳ vọng?

Câu hỏi này phải được hiểu là ứng với thời hiện tại. Thực ra trong quá khứ, kể cả thời kỳ phong kiến thực dân cận đại, so với lân bang thì Việt Nam là nước phát triển hơn, đã từng coi người Mã Lai, người Ai Lao, người Miên, người Xiêm La… thấp kém hơn mình, có phần ngạo mạn khi dùng từ “mọi” để nói về họ. Ngày nay không phải như ông Quân nói là đất nước không phát triển nhanh như kỳ vọng, mà nói cho đúng là đã tụt hậu nặng nề so với các dân tộc “mọi” trong khu vực, thì ông Quân đặt câu hỏi cho các tiến sĩ trẻ là hỏi nhầm người, hỏi sai địa chỉ. Ông Quân biết quá rõ là phải hỏi ai, và ai có trách nhiệm phải trả lời câu hỏi này cho ông. Cho nên tôi đọc bài trên VNEpress thấy không có bạn trẻ nào, hoặc không thể, hoặc không biết, hoặc biết mà không muốn trả lời câu hỏi này. Trả lời câu hỏi này nhiều rủi ro lắm.

Câu hỏi 2: Vì sao những người giỏi, đặc biệt là những người giỏi và trẻ lại không tham gia nhiều vào hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong khi Nhà nước rất cần những người tài để xây dựng cơ chế chính sách?

Ở đây phải làm rõ khái niệm “người giỏi”. Các cụ nói “một nghề cho chín hơn chín mười nghề” là nói đến người “chín”, người giỏi. Bạn nào giỏi sinh học thì chuyên tâm vào sinh học, các bạn giỏi về hóa học, luyện kim, kiến trúc, cơ khí, kinh tế, đầu tư… thì cứ chuyên việc của mình. Làm khoa học công nghệ khác với làm quản lý nhà nước. Bảo các bạn tham gia hoạch định cơ chế, chính sách e rằng tréo ngoe. Đã thế, ngưởi trẻ càng khó có khả năng tham gia quản lý nhà nước, lĩnh vực mà người từng trải (người sắp già và người già) luôn có ưu thế. Ông Quân chắc chắn biết rằng người xây dựng cơ chế, chính sách (và pháp luật) trước hết phải là người am hiểu luật hoặc là luật gia, phải có đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực mình quản lý, phải được đào tạo bài bản về quản lý nhà nước và quản lý hành chính, cái mà các bạn trẻ chưa có vì chẳng phải việc của mình. Và cuối cùng (hay là đầu tiên cũng được), người làm cơ chế, chính sách (cũng như làm luật) phải là người công tâm, hoặc nếu không thì phải bị người công tâm kiểm soát để không xảy ra tình trạng “vơ vào”, tình trạng “tham nhũng chính sách” khá phổ biến hiện nay. Riêng điều này thì bây giờ đòi hỏi như vậy là khá lãng mạn.

Câu hỏi 3 : Vì sao nhiều người giỏi đi học nước ngoài lại không muốn về nước?

Cũng như câu hỏi 1, câu hỏi này dùng cho thì hiện tại. Trong quá khứ, đã rất nhiều người giỏi theo Cụ Hồ về nước trong đó có người thuộc lứa lãnh đạo đầu tiên của Ủy Ban Khoa học Nhà Nước – tiền thân của Bộ Khoa học Công Nghệ – là ông Trần Đại Nghĩa. Ngày nay đúng là có tình trạng một số người có cơ hội đều muốn ra đi, đã ở nước ngoài thì chưa muốn về. Để trả lời câu hỏi này, cần phải biết người giỏi cần gì. Người giỏi cũng có thứ bậc. Người giỏi ở bậc thượng thặng quan tâm trước hết đến điều kiện làm việc, vấn đề đãi ngộ tiền bạc chỉ đứng hàng sau. Ví dụ về những tấm gương này khá nhiều. Người giỏi ở tầm tầm bậc trung thì quan tâm đến hai chuyện đó tương đương nhau. Còn người giỏi ở bậc thấp hơn thì quan tâm đến đãi ngộ trước, điều ấy cũng là thường tình, không có gì phải chê trách. Bỏ qua những chuyện nhức đầu khác, xử lý được mối quan hệ này đúng mức thì may ra vấn đề được giải quyết một phần.

Nhưng mà để giải quyết tận gốc thì trước hết phải trả lời được câu hỏi 1. Trả lời được câu hỏi 1 thì không cần câu trả lời cho câu hỏi 3 nữa.

H.Đ.H

HH – Dân gian có câu: “Thà làm đầy tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại”.

Bộ trưởng Nguyễn Quân có 3 câu hỏi như tác giả đề cập ở trên thì Blog Hahien chỉ có 2 câu hỏi:

1. Nếu thành tài mà về nước thì các em có cửa được làm thầy “thằng” nào không?

2. Nếu câu trả lời là KHÔNG (khả năng KHÔNG là nhiều vì Việt Nam ta đang thừa “thầy”, thiếu thợ), thì các em sẽ “được” làm đầy tớ “thằng” nào?

Trả lời xong 2 câu hỏi “nhạy cảm” này thì sẽ suy ra đáp án du học sinh Việt Nam học xong muốn về nước hay muốn ở lại nước ngoài làm việc.

One Response to Về ba câu hỏi của ông Nguyễn Quân

  1. Pingback: 💧💰🎓🌏🎭🎨🎵🎬 (5) | 真 忍 活

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.