Để quốc hội có những người hiền tài

Hà Hiển

(Bài đã đăng trên VietNamNet)

Nhân chuyện Nhà sử học Dương Trung Quốc đặt ra vấn đề sử dụng người tài ngoài đảng tại 1 kỳ họp quốc hội, báo PLTPHCM có bài phỏng vấn nhà báo Hữu Thọ với tiêu đề “Phải thực sự cầu hiền, biết cách cầu hiền”

Trong phần trả lời, nhà báo Hữu Thọ nhấn mạnh rằng cá nhân ông cũng như lãnh đạo cấp cao nhất của đảng không có ý phân biệt giữa đảng viên và người ngoài đảng, rằng việc chưa có nhiều người ngoài đảng tham gia bộ máy lãnh đạo chủ yếu là do họ chưa đủ uy tín, chẳng hạn như khi ứng cử quốc hội thì ít người bầu cho họ, còn khi được lãnh đạo cấp cao giới thiệu (như trường hợp ông Thọ đơn cử là GS Tôn Thất Bách được lãnh đạo cấp cao “có ý mời” làm Bộ trưởng Y tế) thì “tới các khâu của quy trình cán bộ như lấy phiếu kín, tín nhiệm…thì lại không lọt”.

Nếu chúng ta có thể tin vào ý chí “thực sự cầu hiền” của cấp lãnh đạo cao nhất cũng như của nhà báo Hữu Thọ thì vấn đề chỉ còn nằm ở “cách cầu hiền” được thể hiện bằng bốn chữ “quy trình cán bộ” như thế nào.

Lại nói về “các khâu của qui trình” này, tôi còn nhớ khi vụ PMU18 vỡ lở, khi được hỏi vì sao các ông Bùi Tiến Dũng và Nguyễn Việt Tiến được đưa vào các chức vụ cao như vậy, những người có trách nhiệm trả lời đại ý rằng việc bổ nhiệm này đã được thực hiện theo đúng quy trình cán bộ và các ông Tiến, ông Dũng đều có phiếu tín nhiệm rất cao tại tổ chức cơ sở đảng và đơn vị công tác, và như lời của một vị bí thư đảng uỷ nọ thì “trước khi bị bắt các ông ấy đều là những người tốt, những đảng viên xuất sắc”

Đến đây chúng ta có thể dễ dàng trả lời câu hỏi: Vậy thì các quy trình kiểu đó có phải là những quy trình tốt nên theo và liệu “cách cầu hiền” như vậy có hiệu quả hay không?

Người viết bài này thì cho rằng chừng nào chưa có những sửa đổi và cải cách hệ thống thêm nữa, trong đó có việc sửa đổi lại Luật bầu cử Quốc hội và “các khâu của quy trình” bổ nhiệm cán bộ hiện hành thì chừng đó chúng ta khó mà có cơ hội được chứng kiến những người xuất sắc nhất (kể cả đảng viên hay những người ngoài đảng) tham gia Quốc hội cũng như bộ máy nhà nước mặc dù tôi không có ý phủ nhận rằng trong hệ thống chính trị hiện hành không có 1 số người xuất sắc .

Những cải cách cần thiết không chỉ mang đến cho đất nước những nhà lãnh đạo, những chính khách xuất chúng nhất mà còn hạn chế được những rủi ro. Chẳng hạn, theo quy định hiện hành, các ứng cử viên quốc hội phải lấy ý kiến tín nhiệm ở nơi sinh sống và nơi công tác, và nếu những nơi công tác ấy lại giống như ở PMU18 cách đây không lâu thì tỉ lệ tín nhiệm ở đó sẽ nói lên điều gì? Và điều này sẽ dẫn tới đâu?

Những câu hỏi này hẳn cũng không khó để trả lời.

3 Responses to Để quốc hội có những người hiền tài

  1. Đen says:

    Xin phép nói thay cho tác giả nhé: Hữu Thọ là bồi bút tồi!

  2. Nở says:

    Đứng về phía Nhân dân, thì muôn đời đứng vững

  3. vietduy says:

    theo quy định hiện hành, các ứng cử viên quốc hội phải lấy ý kiến tín nhiệm ở nơi sinh sống và nơi công tác, và nếu những nơi công tác ấy lại giống như ở PMU18 cách đây không lâu thì tỉ lệ tín nhiệm ở đó sẽ nói lên điều gì?
    https://kienthuctuoitre.com/

Gửi phản hồi cho Đen Hủy trả lời

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.