Lãng mạn nghệ sĩ

Hà Hiển

Trên VietNamNet hôm qua có bài trả lời phỏng vấn của một nghệ sỹ có tên tuổi kiêm giám đốc Nhà hát kịch VN.

Câu nói ấn tượng nhất của ông “Tôi trăn trở nhất hiện nay là luân thường đạo lý ở đời” đã được chọn làm tiêu đề bài báo nói trên.

Nhưng thực sự là người viết bài này cảm thấy thất vọng khi đọc toàn bộ ý kiến phát phát biểu của ông nghệ sỹ.

Sau khi đưa ra những giải thích dài dòng vòng vo về việc vì sao hiện nay sân khấu chẳng có nổi 1 tác phẩm nào cho ra hồn, ông lái chủ đề theo hướng bàn luận về sự xuống cấp của văn hóa, đạo đức xã hội hiện nay.

Trước hết, ông quy trách nhiệm chính về sự suy đồi, xuống cấp về đạo đức cho giới trẻ bằng phát biểu rất hùng hồn sau đây:

“Vấn đề mà tôi trăn trở nhất hiện nay là luân thường đạo lý ở đời. Nó bắt đầu bị phá vỡ, người ta (nhất là giới trẻ) đang dần quên, không còn nhớ đến quá khứ nữa…

… Thanh niên bây giờ phải soi mình vào quá khứ, quá khứ như thế bây giờ mình sống đã được chưa? Những người từ quá khứ sống lại và chất vấn những người hiện tại, họ đã sống xứng đáng với tiền nhân ngã xuống chưa?…”

Cái lý sự “thanh niên bây giờ” thế nọ thế kia người ta hay lạm dụng để lẩn tránh trách nhiệm của những “người lớn tuổi bây giờ” đã để lại những tấm gương rất xấu cho thanh niên ra sao. Chỉ một câu phát ngôn của ông nghệ sỹ đã đặt hầu hết những người “trạc ngoại 50 bây giờ” như ông (tôi đoán vậy vì trông ông để râu khá già và chưa về hưu) và những “người lớn hơn ông bây giờ” vào tình trạng “ngoại phạm” trước sự xuống cấp về đạo đức, văn hóa và lối sống hiện nay trong xã hội

Sau đó, mặc dù thừa nhận rằng “xã hội VN đang xuống cấp, tôn ti trật tự đang đảo lộn” nhưng ông lại áp đặt một quan điểm hết sức  võ đoán bằng 1 câu hỏi có tính khẳng định rằng “Tại sao những nước phát triển khác, họ đã quá giàu có  về kinh tế rồi nhưng đời sống tinh thần vẫn bị khủng hoảng, đạo đức xã hội vẫn xuống cấp đến mức báo động?” và ông tiếp tục bình luận thêm:  “…Tấm gương tày liếp chính là các nước tiên tiến, các siêu cường kinh tế đang phải trả giá. Hy vọng rằng những điều đó sẽ không xảy ra ở Việt Nam hoặc chúng ta phải nhìn ra để ngăn chặn được nó…”

Bằng phát ngôn này, trước hết có thể thấy ông nghệ sỹ đã xếp VN vào danh sách các nước phát triển khi ông dùng cụm từ “những nước phát triển khác”. Nếu cái từ “khác” ấy  không phải là do phóng viên nhầm lẫn đưa thêm vào thì phải chăng đó là sự “lãng mạn cách mạng” vốn có của các văn nghệ sỹ chúng ta?

Còn bình luận tiếp theo của ông rằng tại những siêu cường kinh tế người ta đang phải “trả giá” vì “đạo đức xã hội xuống cấp đến mức báo động…” và  “hy vọng điều đó không xảy ra ở VN” thì quả là sự lãng mạn của ông nghệ sỹ đã lên đến mức đáng… báo động.

Nếu lời phát biểu trên của ông nghệ sỹ không phải xuất phát từ 1 phong cách hài hước có sẵn của ông thì xin thưa với ông rằng, về kinh tế VN tụt hậu với một khoảng cách rất lớn so với thế giới đã đành, về đạo đức, văn hóa, lối sống, khoảng cách tụt hậu của chúng ta so với các nước tiên tiến cũng chẳng ít hơn, thậm chí khoảng cách ấy còn ngày càng rộng hơn khoảng cách chênh lệch về kinh tế nữa kia! Và “những điều đó” thực sự đang xảy ra ở VN đến mức báo động rồi chứ không phải như ông “hy vọng là không xảy ra ở VN”.

Và biết đâu chính sự xuống cấp,  tha hóa đã hết sức trầm trọng về văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử giữa người và người, và sự đảo lộn các thang giá trị về đạo đức xã hội đang xảy ra ở nước chúng ta hiện nay lại đang trở thành “tấm gương tày liếp” để cho các nước khác nên tránh thì sao?

Không biết ông nghệ sỹ có hy vọng tiếp nữa là những người Phần Lan, Thụy Điển, Mỹ, Pháp… hay gần hơn như Thái Lan hay Campuchia… sẽ sang ta học tập các tấm gương đạo đức để khắc phục sự “xuống câp” về đạo đức hay về cuộc sống tinh thần của họ?

Các ông “nghệ sỹ bây giờ” mà cứ như người ở trên mây thế này thì nhân dân mong chờ được gì ở họ? Mong gì có tác phẩm lớn!  Ai còn muốn xem kịch của các ông nữa?

12 Responses to Lãng mạn nghệ sĩ

  1. Dong says:

    Ái chà chà, một kho đầy những thứ hay. Mình lười nấu cơm nhà, lang thang ăn chực nhà người này một bữa, người kia một bữa. Tự nhiên bữa nay phát hiện thêm một cái chiếu nghỉ trưa tuyệt vời. Cảm ơn bạn nhé .

  2. Dong says:

    Còn vấn đề bạn đề cập là quá đúng, những người hay cao giọng ” lớp trẻ ngày nay thế này thế nọ…” Nói thiệt, mình cùng thời với khá nhiều vị như thế, nhưng mình hay cảm thấy xấu hổ vì mình và lứa bọn mình chẳng làm được cái gì cho ra hồn. Kể khổ ư, hay ho gì chuyện khổ mà cứ suốt ngày rao áo chuyên da ( ở trần ) xe cố vấn ( là xe đạp thiếu lốp thay phải lấy dây cao su quấn vào kẻo nổ ) ăn bo bo… Vì thời thế bắt khổ, chứ như bây giờ tụi mình có ai từ chối SƯỚNG đâu. Còn nói, hồi ấy bọn tớ lo học hành, chẳng yêu đương… Không dám đâu, học thì sách hiếm, vở thiếu, thầy lo chạy gạo, trò lơ láo. Yêu tít mù đi chứ, có điều sợ có thai rồi bị đuổi học, mà đuổi học hả, quốc nạn quốc nạn ! nên yêu nhẹ nhàng, từ tốn thôi.
    Mình ghét ai hay nói: lớp trẻ thế này thế khác… Lúc trẻ ông nào chả vậy. Với lại, nếu các ông tốt hơn lớp trẻ bây giờ thì đất nước này đã văn minh, hiện đại và dân chủ hơn rồi. Nhiều khi chính họ mới là Hòn đá tảng trên con đường tiến tới của Đất nước

  3. nguyentin says:

    Bạn nói rất đúng.
    Nhiều khi chỉ căn cứ vào lời phát biểu đầu thôi thì hố rất to đó.Nhưng cũng sẽ có nhiều người hiểu ra và họ không dễ gì bị thôi miên lãng xẹt vậy đâu!
    Vd như các bác làm giáo dục tưởng mấy cái đề thi mở gần đây là cải cách gì vĩ đại lắm lắm vậy,thực ra trớt quớt cả.Này nhá:
    -Thi văn lớp 10 ,câu 3 đ viết 1 trang nghị luận về quê hương!Làm sao giáo dục trẻ yêu hương khi chương trình học thì nặng nề hàn lâm và hè nào cũng có sự vụ gì đó ăn chận thời gian hè của chúng ,để chúng không còn thời gian đâu mà gần gủi gì với quê hương được cả???hết lớp 4 thì lo học thi để đón đầu thi từ lớp 5 vào trường tốt lớp 6 ;vào lớp 6 rồi thi xếp vào lớp chọn tiếp; lớp 7 học thêm hè …;lớp 8 lo học nghề cho giỏi trong dịp hè để lớp 9 thi vào lớp 10 được cộng 1.5đ…; lớp 9 chính thức thi vào lớp 10 mất hơn 1 tháng hè cho vụ thi cử vào công lập và chờ kết quả ,chờ chấm phúc khảo…; sau khi vào được trường công lập lớp 10 tưởng đâu mồ yên mả đẹp rồi á?nhầm to!lại dự thi để vào lớp chọn tiếp (vd hơn 650 em xếp thành 15 lớp,thì thi chọn ra 3 lớp chọn!)…blap blap…
    -Theo lẽ hè là để trẻ rong chơi thể dục thể thao ngoài nắng cho trẻ hấp thụ vitamin D để chuyển hóa canxi giúp chúng cao lên mới phải.
    Trẻ đã khổ sở vì sự kém cỏi năng lực và thiếu tầm nhìn của người lớn mà còn trách móc chúng , đòi hỏi chúng này nọ kia ,phải yêu quê hương nữa mới ghê chứ!
    -Thi văn lớp 12,ngay từ đề văn đã không trung thực rồi mà làm như hết sức quan tâm để giáo dục trẻ LÒNG TRUNG THỰC!
    Thực tế xung quanh chúng có gì trung thực đâu mà hòng chúng học tập???
    Tôi nghĩ,muốn nói gì gì về trẻ ,người lớn phải làm gương trước đi cái đã!!!

    • hahien says:

      Cám ơn bạn đã chia sẻ. Đúng là nhiều khi người lớn lại đầu têu nêu những gương xấu cho con trẻ. Nhưng bài viết của tôi cũng không nhằm chỉ trích người lớn hay con trẻ mà chỉ trích cái thói đổ thừa. Cái gì hay thì thế hệ mình nhận lấy, đổ thừa những thói xấu cho thế hệ khác, hoặc cái gì dở đều là do từ bên ngoài xâm nhập vào, không thấy ta đầy rẫy những cái dở mà bên ngoài người ta không có. Thói đổ thừa, không có khả năng hoặc cố tình không nhìn vào sự thật, vào bản chất của vấn đề là mối nguy hại thực sự cho đất nước.

  4. nguyentin says:

    Cám ơn bạn hahien đã trả lời cmt của tôi.
    Tôi phục bạn ở chỗ bạn có sự điềm tĩnh để phán xét hơn tôi .Bạn nhẹ nhàng chỉ gọi thói xấu đó là ‘sự đổ thừa’ thì tôi gọi đó là sự thiếu trách nhiệm và không có uy tín.
    Nhưng kết cục vẫn là ‘không có khả năng hoặc cố tình không nhìn vào sự thật, vào bản chất của vấn đề là mối nguy hại thực sự cho đất nước’
    Vd:Mới nhất là vụ Bộ trưởng Giáo dục ra thông báo dẹp bỏ chuyện thầy đọc trò ghi ngay từ năm nay vì vờ như không biết nguyên nhân sâu xa của việc thầy đọc trò ghi nằm ở chỗ tính hàn lâm nặng nề của bộ sách giáo khoa!mà bao nhiêu Giáo sư tiến sĩ đề nghị sửa đổi viết lại bộ sách thì…cứ chây ỳ!
    Nếu sách vừa tầm và đúng là được biên soạn cho hs thì việc gì thầy cô phải làm động tác ‘phiên dịch,tóm tắt’ lại cho hs ghi cho mất thì giờ?
    Bao nhiêu % hs làm được chuyện tự ghi chép lại đúng nghĩa?Cái hs tự ghi lại có đủ và đảm bảo cho chúng kiến thức căn bản không? Trong khi sách như là bửu bối của chúng thì lại quay lưng với chúng vì quá khó hiểu?nếu sách không thể coi như bửu bối để tham khảo từ năm này qua năm khác thì sách được in ra để làm gì?

    Tôi có viết gì không ổn ,xin bạn thông cảm nha.

    • hahien says:

      Cám ơn bạn đã quan tâm đến chủ đề này. Nếu tôi đoán không nhầm thì bạn công tác trong ngành giáo dục. Xin chia sẻ những ý kiến rất tâm huyết của bạn 🙂

  5. nguyentin says:

    Tôi chỉ là một phụ huynh có con đang đi học nên rất quan tâm chuyện giáo dục chứ tôi không hề công tác trong ngành đó.
    Trong các entry của bạn tôi thấy bạn luôn có khuynh hướng làm trầm sự việc xuống hơn là thổi bốc lên như một số cây bút khác.

    • hahien says:

      Xin tiếp thu góp ý quý báu của bạn. Nhiều khi chính những góp ý, những lời bình như thế sẽ giúp “thổi bốc” vấn đề lên nếu tác giả entry vô tình làm nó “trầm” xuống.

      Blog hơn các kênh khác chính là ở chỗ đó, ở cái tính cởi mở và đa chiều của nó.

      Xin cám ơn bạn. 🙂

  6. nguyentin says:

    Có lẽ từ cái nhìn gần gủi với cuộc sống của dân thường như tôi thì việc làm trầm xuống sẽ tốt hơn là thổi bốc lên nên tôi vote cho khuynh hướng này.Giải thích đơn giản nhất bằng cụm từ “Lấy nhu thắng cương’ thì dù có thắng nổi hay không , trước tiên ta cũng thấy lòng thanh thản và thoải mái hơn,phải không bạn?

    • hahien says:

      Tôi hiểu ý bạn nói.

      Tôi cho rằng điều quan trọng nhất là phải có ước muốn mong điều tốt cho tất cả mọi người. Ước muốn đó sẽ làm cho người ta lựa chọn ra cách làm hay cách nói thích hợp, mặc dù vẫn biết nhiều lúc lực bất tòng tâm. Nhưngcái tâm sáng cũng giúp lòng mình thanh thản và thoải mái hơn.

  7. Pingback: Văn hóa đổ thừa? « Hahien’s Blog

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.