Không thích ‘đi ca bi nê’ thì ‘vào xí sở’…

 

Hà Hiển

cầu tõmHồi bé mình được bố dạy khi muốn đi ỉa thì phải nói cho lịch sự  là con muốn “đi ca bi nê”. Đến khi về nông thôn (Bắc Bộ) ở một thời gian thì lại nghe các bác nông dân gọi đi làm cái việc ấy“đi đồng”.

Thời ấy mình cũng đã từng thắc mắc không hiểu tại sao lại là “đi ca bi nê” hoặc “đi đồng”. Sau này học tiếng Anh thì đoán có lẽ cụm từ  “ca bi nê” có nguồn gốc từ “cabinet” là một từ tiếng Anh còn có nghĩa là “căn buồng” hay “căn phòng”. Mà nhà xí chẳng qua cũng là một loại phòng đặc biệt. Mình đoán để tránh dùng từ “đi ỉa” nghe có vẻ “phản cảm” thì các cụ “Tây học” ngày xưa nói là  “đi ca bi nê” để ám chỉ việc vào một cái phòng đặc biệt để làm cái công việc “dị hóa”. Bố mình ngày xưa học trường Tây, giỏi tiếng Pháp, mà tiếng Pháp cũng có nhiều từ giống tiếng Anh nên ông dạy mình “đi ỉa” là “đi ca bi nê” có lẽ vì lý do này.

Từ đấy mình cũng đoán ra ở nông thôn miền bắc người ta thường nói “đi đồng” vì cái việc ấy không nhất thiết phải được thực hiện ở trong các “ca bi nê” theo truyền thống có thể được thực hiện ngoài cánh đồng. Các cụ chẳng phải có câu “Thứ nhất quận công, thứ nhì ỉa đồng” là gì! Cũng như dân Nam Bộ nói “đi cầu” là nói đến cái “cầu” mà trẻ già trai gái thường ngồi ở đó để “tõm” xuống sông, nên thường được gọi bằng cái cụm từ tượng thanh là “cầu tõm”, nghe vừa dễ hình dung lại vừa khá vui tai!

Bố mình vốn sống ở thành thị từ bé, lại “Tây học”, tưởng chỉ quen với việc “đi ca bi nê”, thế mà một thời khi sơ tán về nông thôn cũng đã biết thưởng thức cái thú vừa ỉa đồng vừa ngắm cảnh… Mình nhớ Ông đã tức cảnh làm mấy câu thơ trong khi làm cái “việc ấy” tại cánh đồng lộng gió vào một buổi sớm khi mặt trời mới ló rạng:

Ta ngồi “mông quạnh” giữa đồng không
Bát ngát mượt xanh lúa ngập đồng
Đồi núi tím lam mây hồng gợn
Mái mới trường xinh thắm xã Đồng

Một ông anh ruột mình đã “bình loạn” mây câu trên của bố như sau: ”… Hình như trong bức tranh ấy, từ “quạnh” không còn có nghĩa là cô liêu, hiu quạnh. Bạn hãy hình dung mùa đông, sáng tinh mơ ra cánh đồng, kéo quần, ngồi xuống thì mông quạnh có nghĩa là gì ? Tôi nghĩ các nhà từ điển học (không tính các loại Vũ Chất) cũng nên xem xét bổ sung giải thêm nghĩa cho cái từ mông quạnh này.”

Nhưng dù là ca-bi-nê, cánh đồng hay cái cầu tõm... thì đó cũng chỉ là những chữ  dùng để đề cập một cách gián tiếp đến cái nơi mà người ta làm cái việc “nhạy cảm” ấy. Còn ngôn ngữ Hán – Việt từ trước đến nay vẫn dùng chữ  “xí” để chỉ những gì liên quan đến cái việc chẳng đặng đừng ấy một cách “chính thống” hơn, chẳng hạn như  chuồng xí [1], nhà xí, hố xí, bệ xí... Trong một bài viết bàn về chủ đề này, nhà sử học Dương Trung Quốc còn sử dụng một cụm từ Hán – Việt nghe rất “hàn lâm” là “xí sở” để chỉ cái nhà xí  (chữ “sở” ở đây chắc tương đương với cơ quan, sở mỏ tương tự như chữ “office” trong tiếng Tây?)

He he, vậy là nếu không thích chữ Tây “đi ca bi nê” thì Ta có thể dùng chữ Tàu “vào xí sở”  cũng sang trọng lịch sự chẳng kém!

Nhưng chữ Tàu có nhiều từ đồng âm khác nghĩa nên nhiều khi cũng gây ra những nhầm lẫn tai hại. Chẳng hạn chữ “xí” hình như cũng có đôi ba nghĩa thì phải. Mình có ông anh vốn làm giám đốc một nhà máy quân đội, nay đã về hưu, có lần nhận được giấy mời họp mặt những người đã từng làm việc cùng nhau. Trong giấy mời mình đọc được nội dung là “Mời đồng chí đi dự họp mặt các cựu lãnh đạo Xí ủy…”.  Mình bảo nếu có đông người dự thì chắc các bác phải chọn một cái “xí sở” thật hoành tráng để vừa họp vừa cùng nhau … làm cái việc ấy nhỉ. Ông anh mình bảo đã có xí nghiệp lo rồi. Thì ra mình nhầm. “Xí” ở đây là “xí nghiệp”. Và “xí ủy” là để chỉ “cấp ủy” của một tổ chức tại xí nghiệp nơi ông anh mình công tác ngày xưa, giống như  ở cấp thành phố, quận, tỉnh hay huyện… thì người ta gọi là “thành ủy”, “quận ủy”, “tỉnh ủy”, “huyện ủy”…, không liên quan gì đến cái “xí sở” của bác Dương Trung Quốc!

—————————————————–

[1]  Mình vẫn tự hỏi tại sao lại dùng từ “chuồng xí” vì nghĩ chữ “chuồng” để chỉ những nơi có liên quan đến súc vật hơn là người, ví dụ như chuồng bò, chuồng chó, chuồng chim v.v…  Hay là tác giả cụm từ này có quan niệm con người chúng ta chỉ thực sự là người những lúc không đi ỉa chăng?

11 Responses to Không thích ‘đi ca bi nê’ thì ‘vào xí sở’…

  1. Nhà em ở ven sông Hồng, ngày trước mỗi khi đi đồng đều phải có một cái cuốc. Để làm gì các bác biết rồi.
    Bây giờ văn minh hiện đại, nhà em có bệt và có xổm. Bóng loáng, sạch sẽ.
    Thế nhưng, cơ quan em thì kinh khủng. Cũng xổm cũng bệt mà sao mất vệ sinh khủng khiếp.
    Thế nên ở xứ ta, cái gì công hữu em không biết, nhưng cái WC thì nhẽ phải tư nhân hóa mới sạch sẽ được.
    Cám ơn bác đã viết bài này. Rất hay.

  2. Hà Ánh Dương says:

    Bọn tớ thì gọi việc này là đi “bỏ phiếu”, có anh lại trịnh trọng gọi là đi làm “nghĩa vụ công dân”, có bác còn vơ vào “đi làm công tác xây dựng cơ quan lập pháp”.Thôi thì làm gì cũng được, sướng nhất là dân chủ thực sự, chứ không phải dân chủ đểu.

    • hahien says:

      Vâng, thế là từ nay lại có thêm 2 cụm từ mới là “đi bỏ phiếu” và “đi họp xí ủy” 🙂

  3. tucalam says:

    Còn ở quê mình thì người ta nói là đi sau hoặc đi ra sau (vì chuồng xí ở phía sau nhà). Cũng có khi người ta nói đi bỏ phiếu hoặc đi đóng thuế.

  4. Pingback: Tin thứ Bảy, 18-10-2014 « BA SÀM

  5. Montrealais says:

    Ông cụ bạn đúng à giới học trường Pháp,chữ cabinet có nghĩa là một buồng,phòng riêng cho cá nhân làm việc riêng của mình,có thể là một bàn giấy,một phòng khám bác sĩ,v,v… Chứ chính xác phải gọi là toilette,dân Pháp thuộc loại quý phái hay gọi là trí thức,họ không thích dùng chữ toilette mà gọi chệch đi là cabinet.Ngày xưa dân quý tộc Pháp không dùng chữ đúng nghĩa mà dùng khác chữ khác đi nghe cho bớt thô lỗ và tao nhã hơn.Giống như VN ta, không nói đi “ngủ” mà nói đi “ngơi” coi có vẻ thanh tao hơn.

  6. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Bảy, 18-10-2014 | doithoaionline

  7. Pingback: ***TIN NGÀY 18/10/2014 -Thứ Bảy. « PHẠM TÂY SƠN

  8. Pingback: Bố mẹ dạy Chữ – Nghĩa cho tôi như thế nào | Hahien's Blog

  9. Hai Đổng says:

    Tuyệt!

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.