“Tình ca 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”: Thì cứ để cho Tây nó thưởng thức!

Hà Hiển

 “Để bạn bè bốn phương hiểu thêm được tính cách của dân tộc Việt Nam, vừa anh hùng vừa lãng mạn; vừa quyết liệt vừa tràn ngập yêu thương, qua những ca khúc đi vào lòng người” – đó là những lời “có cánh” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM  khi nói về đĩa nhạc Tình ca 1000 năm Thăng Long – Hà Nội gồm những bài hát Việt được dịch sang tiếng Anh do nhóm BSP Entertainment thực hiện gần đây, cũng được coi là “một tặng phẩm chính thức gửi đến Đại lễ 1000 năm Thăng Long”.

Thế nhưng, ngay từ khi mới ra lò, ấn phẩm này đã phải chịu rất nhiều lời chê bai, giễu cợt hoặc thậm chí bị “lên án gay gắt” (chữ dùng trong một bài viết trên Tuổi Trẻ Online) vì những ca từ tiếng Anh mà “cộng đồng những người Việt biết tiếng Anh” cho là có nhiều sai sót về cả văn phạm lẫn ngữ nghĩa.

Trên blog Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập, một “còm sĩ” bình luận về việc trong album trên người ta đã chuyển ngữ câu hát “Chân ta bước lòng ung dung tự hào, kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao” thành “Walking with cavalier and proud, the canon is still high to the sky” như sau: Tôi nghĩ, anh Tây sẽ hiểu lơ mơ là lời Việt bài hát nói về một giáo sĩ nào đó (trông thì như) đang đi dạo với một anh kỵ sĩ nhưng thực ra vẫn lơ lửng trên cao tít bầu trời. Đại loại là sự ca ngợi phép thuật thường thấy ở những bộ lạc kém phát triển” (căn cứ theo kết quả tra từ điển của “còm sĩ” này thì cavalier (danh từ) có nghĩa là “kỵ sĩ” và canon có nghĩa là “tiêu chuẩn”, “quy tắc”, “giáo sĩ”…).

Cũng trên trang blog này, một “còm sĩ” khác đã “cười sặc sụa” trong khi giảng giải cho những người khác đại ý rằng “you inside me after class” (mà ca từ gốc tiếng Việt là “ta bên nhau một chiều tan lớp” trong bài hát Hà Nội mùa vắng những cơn mưa) được “dân nói tiếng Anh” (chữ dùng của “còm sĩ” nọ) hiểu là “anh chọc vào em sau khi tan lớp đấy ạ”, rằng chữ “khăn” trong câu “khăn em bay” sao lại được dịch là “towel” có nghĩa là “khăn tắm”, trong khi theo ý của lời hát gốc tiếng Việt phải là “khăn quàng” mới đúng chứ,  v.v… và v.v…

Người Việt chúng mình hình như nổi tiếng thế giới về cái chuyện hay bắt bẻ nhau về chữ nghĩa và không chỉ về chữ nghĩa tiếng Anh. Nhưng kể từ khi “tiếng Anh” là một trong những tiêu chuẩn để chứng minh cho sự cao thấp về học vấn của người Việt, nhất là khi nó trở thành điều kiện tiên quyết để lấy các bằng thạc sĩ hay tiến sĩ trong nước thì việc người Việt chê bai tiếng Anh của nhau bắt đầu trở nên phổ biến hơn nhiều. Một ví dụ điển hình gần đây cho điều này là chuyện cô giáo dạy tiếng Anh chửi học trò 18 phút tại một trường phổ thông nổi tiếng ở Hải Phòng chỉ vì bị học trò chê là phát âm không chuẩn và dùng thì sai. Dân Tây thứ thiệt mà nghe chuyện này chắc bọn chúng phải hết sức ngạc nhiên, vì đối với bọn Tây thì việc người nước khác (kể cả là giáo viên tiếng Anh) phát âm sai tiếng Anh, nói hoặc viết một câu tiếng Anh mà người Anh không nói hay viết như thế bao giờ là chuyện hết sức bình thường, chẳng việc gì phải xấu hổ cả. Mà cứ săm soi chê bai nhau thế này thì sẽ dẫn đến một chuyện tối kỵ trong các lớp học ngoại ngữ là các học viên sẽ rất ngại nói vì sợ nhỡ đâu nói sai lại bị chúng bạn chê cười. Ngay cả cô giáo dạy tiếng Anh, lẽ ra phải khuyến khích một môi trường giao tiếp tiếng Anh một cách cởi mở cho học trò, lại còn sợ bị chê như thế thì chẳng có gì là khó hiểu khi chúng ta hay được nghe các bậc phụ huynh kêu ca phàn nàn rằng con em họ học hết cả 12 năm tiếng Anh mà không thể giao tiếp được bình thường bằng cái tiếng thời thượng ấy.

Trở lại chủ đề chính của bài viết này là câu chuyện về cái album Tình ca 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, người đang viết những dòng này không dám có nhận xét gì về việc liệu từ ngữ, văn phạm tiếng Anh sử dụng trong những ca khúc trên có chuẩn xác hay không và cũng không dám bình luận gì về ý kiến của các “còm sĩ” đã dẫn ở trên, mà từ chuyện này lại chợt nghĩ đến một câu hỏi thuộc một chủ đề hoàn toàn khác, đó là: Phản ứng của các khán giả “Tây”, là đối tượng mà ấn phẩm này hướng đến, sẽ như thế nào khi nghe những bài hát này nhỉ?

Trong bài báo với tiêu đề “Chắp cánh cho ca khúc Việt bay xa” trên tờ Người Lao Động và được trang thông tin điện tử của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam đăng lại (*), tác giả đưa lại ý kiến nhận xét của một du khách người Pháp tên là Jean Luc sau khi nghe những ca khúc đã được chuyển ngữ này: “Ca khúc Việt Nam rất tuyệt. Tôi yêu chúng và yêu đất nước Việt Nam. Sau khi nghe album này, tôi có một mong muốn được thể hiện một trong số những ca khúc này trong album, để bày tỏ tình yêu của tôi với con người và đất nước Việt Nam”.

Có thể có người sẽ nói, đối với những bài hát Việt được dịch sang tiếng… không phải là tiếng Pháp như thế này thì lời khen tặng rất lịch sự theo kiểu Pháp của anh chàng Jean Luc nào đó chưa hẳn là đã đáng tin, hoặc cũng không thể đại diện cho tất cả những “ông Tây” khác để có thể khẳng định rằng cái album này được “Tây nó thích”.

Nhưng nếu biết rằng, khi thưởng thức một ca khúc, nhiều người phương Tây không quá coi trọng việc ca từ bài hát phải mang một ý nghĩa thật rõ ràng rành mạch mà chỉ đơn thuần xem nó như một thứ để giải trí thì lời khen của anh chàng người Pháp nọ chưa chắc đã là không thật lòng. Có thể đối với những ông Tây này thì vấn đề quan trọng không phải là ý nghĩa của lời ca mà là nhạc có hay không. Nếu nhạc hay mà lời lại ngồ ngộ, hoặc có vẻ “lơ tơ lơ” nữa thì biết đâu họ lại càng “phê” thì sao!   🙂

Cách đây đã lâu, người viết bài này đọc được trên một tờ báo chính thống một bài viết phê phán một bài hát “Tây” vì những ca từ của nó nếu dịch sang tiếng Việt thì rất không rõ “định hướng”, không biết mục đích “giáo dục tư tưởng” là gì, đại loại như “ta từng mơ bao lần trèo lên cây chuối…”. Nhưng đấy chỉ là một gu trong vô vàn gu cảm thụ âm nhạc nói riêng và thẩm mỹ nói chung trong cái thế giới muôn màu và đa chiều này của chúng ta. Những người nước ngoài nào đã hát và thích những bài hát có ca từ ngồ ngộ như thế thì rất có thể cũng sẽ rất thích được thả mình trong một không gian bất định mà mộng mơ cùng một chàng “giáo sĩ nào đó (tưởng như) đang đi dạo với một anh kỵ sĩ nhưng thực ra vẫn lơ lửng trên cao tít bầu trời” hơn là bước trên mặt đất rồi thấy một cảnh tượng hết sức bình thường (mà làm sao phải kêu “kìa” ?) là cái “nòng pháo vẫn vươn lên trời cao”!   😦

Vả lại, tôi có cảm giác cái cảnh “khăn tắm em bay” phù hợp với tình huống “you inside me after class” hơn là là cái “khăn quàng” chứ! Có vẻ thật dễ hiểu đối với cả Tây lẫn Ta-biết- tiếng-Tây! Biết đâu, như ý kiến của một “còm sĩ” khác trên Chiếu Rượu Quê Choa, rằng những đoạn ca từ tiếng Anh này lại càng giúp thể hiện rõ hơn tính chất “vừa lãng mạn, vừa quyết liệt vừa đi vào lòng người” của album này như lời mào đầu của nhạc sĩ Trần Long Ẩn!

Hiển nhiên là cái khăn quàng không có lý do gì chính đáng để xuất hiện trong cái ngữ cảnh “nhạy cảm” mà cũng không kém phần “quyết liệt” này!

Có lẽ cũng không cần thiết phải bàn thêm về những tiểu tiết này nữa. Bỏ qua vấn đề kiến thức ngôn ngữ sang một bên thì cái sự ngồ ngộ hẳn cũng có giá trị riêng của nó chứ.

Dâu Tây đang dẫn chương trình trên VTV – Nguồn: Vnexpress

Giả thiết nếu đặt ở một chiều ngược lại thì không biết các bạn có cảm giác thế nào khi nghe một ông Tây nói tiếng ta? Tôi thì tôi khoái gã Tây nào nói tiếng Việt ngọng nghịu lơ lớ, dấu má, đại từ nhân xưng nhầm lẫn lung tung hết cả, vì nghe thế nó mới… vui, thấy… dễ thương hơn hẳn những bố mắt xanh mũi lõ mồm mép như tép nhảy, nói tiếng Việt xoen xoét như anh chàng Canada có biệt hiệu là Dâu Tây nọ. Anh Dâu nói tiếng Việt thì “chuẩn không cần chỉnh”, có thể nói là bậc thầy cho ngay cả rất nhiều người Việt về câu cú, ngữ pháp tiếng Việt, thật là đáng ngưỡng mộ! Nhưng dù rất khâm phục tiếng Việt của anh chàng Dâu, và dù giả sử anh Dâu có chê những người đồng hương Canada của mình nói tiếng Việt không chuẩn như anh là “dốt”, là “nhục”, là đáng “xấu hổ”… (giống như dân ta vẫn thường choảng nhau như vậy khi bình phẩm về “tiếng Anh” của nhau), thì người viết bài này vẫn cứ thấy thích thứ tiếng Việt bập bẹ, ngây thơ của mấy ông bà Tây mới tập tành học đôi ba chữ  tiếng Việt hơn vì thấy nó có giá trị… giải trí hơn nhiều so với thứ tiếng Việt lọc lõi của chàng Dâu nhà ta.

Vì vậy biết đâu những ca khúc trong album này nếu được dịch ra một thứ tiếng Anh chuẩn mực và chính xác hơn thì lại không hấp dẫn mấy ông Tây bà đầm bằng những ca từ “ngây thơ” như đã dẫn thì sao? Sao không thể coi nó là một ấn phẩm có tính giải trí đơn thuần?

Mỗi thứ có một giá trị riêng của nó. Thôi cho qua đi, các “còm sĩ” khó tính thân mến ạ. Thì cứ để cho Tây nó thưởng thức và đánh giá, có cháy nhà chết người gì đâu mà phải làm ầm ĩ cả lên!

(Bài đã đăng trên talawas)

(*)  Theo bài báo này thì “không chỉ tiếng Anh, một số ca khúc Việt còn được chuyển ngữ sang tiếng Nhật”.

—————————————————————————————————————

Còn bây giờ, để thư giãn, xin mời các bạn nghe 2 trong số những ca khúc đã “chuyển ngữ”  này:

__________________________________________________________

 

Xin trích 2 trong số 26 ý kiến của các còm sĩ (đăng trên talawas) về bài viết trên:

  1.  vksg nói:

    Bác Hà Hiển nói rất đúng, phàm vấn đề gì cũng có hai mặt, phải nhìn đa chiều, luôn luôn có vùng mà Tây nó gọi là xám mà ở đó đúng phải sai trái nó hòa quyện mờ mịt cả lên dềnh dàng như Yin Yang. Nói ví dụ cho rõ, nhà cháu rất yêu các cô tiếp viên hãng Singapore Airlines ở cái cách phát âm tiếng Anh nó không hoàn toàn Tây, nó chút bỏ dấu có cái bản sắc tiếng Tàu kiểu Singapore, nó có cái bản sắc rất là Singapore Sling bác ạ! Nhà cháu thích vì nghe họ nói vẫn hiểu vì đúng cú pháp, xì tin tiếng Anh mình không phải đoán. Họ phát âm cũng rõ ràng nghe như Anh hay Mỹ nói. Những cái âm sắc Singapore trộn lẫn trong cách phát âm khi ấy làm cho cách họ nói đặc thù và duyên dáng dễ thương. Nói theo Tây, nó “beyond reasonable doubt”, không chút nghi ngờ là nhà cháu hiểu họ nói cái gì. Dù sao ngôn ngữ cơ bản vẫn là công cụ để truyền đạt và trao đổi ý tưởng. Nói không ai hiểu gì hết hay hiểu mà hiểu tầm bậy sai nghĩa thì nên sửa lại, bởi vì nó “beyond reasonable doubt” là nó chẳng nó duyên dáng mé đìu hiu nào hết bác Hiển Hà ạ. Làm sao duyên dáng khi ta nghe và hiểu trật lất ý của bài nhạc (do dịch vật thuật mà ra)? Nếu nói thôi không cần hiểu, nghe nhạc cũng thấy hay. Thế thì cứ chơi nhạc không lời vẫn chẳng hay hon là chua thêm bôi bác lời vào bác nhỉ? Nói thật với bác, nhà cháu thử cho mấy người bạn Tây nghe bài Hà Nội MVNCM lời dịch vật ra Anh, phản ứng là từ cười sằng sặc cho đến ngơ ngáo không hiểu. Dĩ nhiên cái sample của nhà cháu có hạn chế nên sai số thống kế cũng cao nên cháu đồng ý cho cái ý kiến của bác Hà Hiển vào trong vùng reasonable doubt, nhưng mấy cái bản dịch vật ra Anh ngữ thì không nằm trong vùng xám ấy, bác ạ!

    Lời bình của chủ blog:  – Thì giá trị của nó là làm cho mấy người bạn Tây của bạn “cười sằng sặc” đấy thôi – Một trận cười bằng 10 thang thuốc bổ mà   🙂 
  2. Tôn Văn nói:

    “Để cho Tây”

    Bài viết của tác giả Hà Hiền rất hay vì mang tính dí dỏm, tổng hợp nhưng cô đọng rất … Việt: Nói vậy, mà không phải vậy; Nhưng chính là như vậy!
    Xin trình bày một số “thiển kiến” để … góp vui.

    *
    Tôi được quen và rất quý một vị cao niên vì sự hiểu biết của cụ, và nhất là khi thấy tôi thích và cần sách đọc, cụ đã gửi cho tôi hết các bộ “Tam quốc”, “Đông Chu” đến các từ điển qúy hiếm có đóng dấu “Tủ sách Gia đình TAT”. Cụ dí dỏm và đối đáp nhanh, trong khi đó thì cụ bà là người hiền lành và ít nói. Một lần, sau khi cụ bà nấu nướng xong và dọn cơm ra; Ngồi vào bàn, nếm qua ít món, cụ nói:
    – Bà nấu thế này thì chỉ để cho Tây nó ăn!
    – Thì tôi vẫn nấu cho ông ăn hơn sáu-mươi năm nay rồi đấy thây? – Lần này cụ bà đối đáp rất nhanh với nét mặt và giọng nói bình thản như chẳng có gì xảy ra.
    Biết mình lỡ lời, mà có lẽ cũng do bị ngắt quãng khi đang theo dõi thời sự, cụ ông nói:
    – Thì tôi nói thế, chứ không ăn cơm bà nấu thì ăn cơm ai.
    – …
    Xin được ngắn dòng để rút ra rằng: “Để cho Tây nó ăn / thưởng thức” không liên quan gì đến Tây mà chỉ có ý rằng công việc múa may chẳng có ý nghĩa, giá trị gì ngoài việc gây cười cho thiên hạ và tiêu tốn tiền dân.
    Đọc, thì cười đấy; Mà thực rất buồn!…

    *
    Nhưng chúng ta cũng chẳng cần tiết kiệm cái sự vui.
    Xin cứ tự nhiên nhớ về Hà Nội để thấy hình ảnh “Các chàng kỵ sỹ thì vẫn bay lơ lửng” (Hàm nghĩa rằng “Các nòng pháo vẫn (còn khả năng) vươn lên (trong khoảng) trời cao”) và “Anh chọc vào em sau khi tan lớp” … đều đều. Để giữ mãi cảm giác “lãng mạn, quyết liệt” khi “đi vào lòng người”.

    *
    Tôi “thổ nộ” vì sợ bỏ mất ý gì chăng trong bài viết mà tác giả chắc đã bỏ ra nhiều công sức và tâm huyết. Nhưng có thể có những suy diễn chưa đúng; Xin được tha lỗi trước.

    (HH – Cám ơn bác Tôn Văn)    🙂

3 Responses to “Tình ca 1000 năm Thăng Long – Hà Nội”: Thì cứ để cho Tây nó thưởng thức!

  1. Pingback: Chuyện ngôn ngữ ở sân bay | Hahien's Blog

  2. Pingback: Tiếng lước ta còn chưa thõi, lém đá nhau về “tiếng Anh” làm giề? | Hahien's Blog

  3. Pingback: “Ai em ớ nồn” | Hahien's Blog

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.