Từ lũy tre làng đến… nghĩa địa

 

Hà Hiển

indexPhạt “vượt đèn vàng” có đúng pháp luật không?

Thiên hạ đang um cả lên với quy định mới đây của cơ quan chức năng về chuyện “phạt vượt đèn vàng”. Đa số đều phản đối quyết định này, có nhiều bác, điển hình như là một tác giả của một bài viết trên blog Tre Làng còn ví von rằng phạt như thế thì “chẳng khác việc cắm biển 40km/h ngay đằng sau biển 100km/h” (!), từ đó giật một cái tít có tính mỉa mai rằng  “Đừng tự tách mình ra khỏi thế giới văn minh”. Kinh! [*]

Điểm c, Điều 10 Luật Giao thông Đường bộ đã quy định rất rõ rằng khi có tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Mình thấy cơ quan chức năng người ta cũng đã giải thích rất rõ ràng rằng chỉ áp dụng phạt đối với trường hợp không dừng trước vạch dừng khi đã có tín hiệu vàng, còn nếu đã đi quá vạch dừng mới xuất hiện tín hiệu vàng thì không phạt. Như vậy là việc phạt hoàn toàn không nằm ngoài hành vi vi phạm đối với những gì quy định trong Luật Giao thông Đường bộ. Thế nhưng hầu như người ta không nghe lời giải thích này mà cứ khăng khăng cho rằng cơ quan chức năng cấm “vượt đèn vàng” trong bất cứ trường hợp nào.

Thực ra, lúc đầu, một bộ phận dư luận không đồng tình với việc phạt lỗi vượt đèn vàng ngang với mức phạt lỗi vượt đèn đỏ. Như vậy là những người này chỉ không đồng ý về mức phạt, tức là đã thừa nhận việc vượt đèn vàng đương nhiên là vi phạm. Nhưng sau đó sự việc được đẩy lên theo hướng phản đối việc phạt này mà không đề cập gì đến mức phạt nữa. Nhiều người còn bảo phạt như thế là trái với pháp luật. Thế thì Điểm c, Điều 10 của Luật Giao thông Đường bộ không phải là pháp luật thì là gì? Có người còn bảo chỉ mỗi ở Việt Nam mới coi vượt đèn vàng là vi phạm để mỉa mai rằng như thế là “tách mình ra khỏi thế giới văn minh” mà không biết rằng chính mình mới chưa bao giờ ra khỏi lũy tre làng! Tôi thách bất kỳ ai dẫn ra luật nước nào cho phép các phương tiện vượt đèn vàng trong mọi tình huống đấy!

Buồn cười nhất là nhiều người cứ cãi với cơ quan chức năng rằng tại sao lại quy định phạt khi đèn vàng bật sau khi tôi đã đi quá vạch dừng,  trong khi người ta đã giải thích rất rõ là sẽ không phạt trong trường hợp ấy!

Mức phạt thế nào là hợp pháp và hợp lý

Như vậy, việc “vượt đèn vàng” trừ những tình huống được miễn trừ như quy định trong Luật GTĐB, là vi phạm pháp luật và điều này không còn vấn đề gì phải bàn cãi nữa.

Bây giờ bàn đến mức phạt.

Nhiều người dù thừa nhận việc vượt đèn vàng khi chưa đến vạch dừng là vi phạm nhưng lại cho rằng mức phạt đối với lỗi vượt đèn vàng ngang với mức phạt đối với lỗi vượt đèn đỏ là trái pháp luật và cũng không hợp lý.

Mình cho rằng việc quy định này không trái pháp luật vì trong Luật Giao thông Đường bộ chỉ liệt kê các hành vi phải chấp hành và các hành vi vi phạm, không nói là hành vi nào thì nặng hay nhẹ hơn hành vi nào và cũng không quy định mức phạt đối với mỗi hành vi vi phạm là bao nhiêu tiền.

Mức xử phạt nặng nhẹ khác nhau đối với các hành vi vi phạm này được quy định bởi một Nghị định riêng của Chính phủ. Đây là các văn bản dưới luật và có thể thay đổi tùy theo từng thời điểm và và việc điều chỉnh hay thay đổi như thế không trái với quy định nêu trong Luật về xử phạt hành chính nói chung.

Như vậy không thể nói nếu phạt lỗi vượt đèn vàng ở mức ngang với lỗi vượt đèn đỏ là trái luật. Vì luật cho phép quy định điều này trong nghị định, còn nghị định thì có thể thay đổi được.

Vậy là vấn đề “hợp pháp” đã được giải quyết xong. Câu hỏi còn lại là phạt nặng như vậy thì có hợp lý không? Đây mới đáng là vấn đề cần bàn.

Nhiều người bảo phạt đèn vàng nặng như đèn đỏ là bất hợp lý vì nếu thế thì chúng chẳng khác gì nhau, và nếu thế thì bỏ quách đèn vàng đi, chỉ dùng đèn đỏ thôi. Mình thì cho rằng mức phạt là bao nhiêu được đánh giá bởi hậu quả có thể xảy ra của hành vi vi phạm. Nếu cơ quan chức năng hiện nay đánh giá rằng việc “vượt đèn vàng” (trừ các trường hợp được miễn trừ như quy định rõ trong Luật) và “vượt đèn đỏ” đều có nguy cơ mang lại hậu quả ngang nhau thì mức phạt như nhau không thể nói là không hợp lý.

Có người lý sự rằng xử phạt lỗi vượt đèn vàng nặng như vượt đèn đỏ dẫn đến việc người lái xe sợ bị phạt nên sẽ cố gắng phanh dừng xe đột ngột, dẫn đến tai nạn do bị xe đằng sau đâm vào đít, như vậy là làm tăng khả năng tai nạn giao thông. Những người lý sự theo cách này quên một điều rằng cách lý sự ấy của họ đã hợp pháp hóa một hành vi vi phạm giao thông khác và chính hành vi này mới là thủ phạm chính của việc đâm vào đít xe khác ở các ngã ba hay ngã tư.

Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT quy định rõ “Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép đến mức không nguy hiểm (có thể dừng lại một cách an toàn)…  qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức…”

Như vậy lý do chính của việc các xe đâm vào đít nhau ở các giao lộ như xảy ra ngày càng phổ biến hiện nay ngay cả khi chưa áp dụng quy định mới về mức phạt vượt đèn vàng là do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ vẫn KHÔNG giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép đến mức không nguy hiểm vì thế nên đã KHÔNG THỂ DỪNG LẠI MỘT CÁCH AN TOÀN khi đi qua các giao lộ.

Còn Điều 11 của Thông tư đã dẫn ở trên cũng quy định rõ “Khi điều khin xe tham gia giao thông trên đường bộ, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải giữ một khoảng cách an toàn đi với xe chạy liền trước xe của mình…”.

Chính vì không tuân theo quy định về giảm tốc độ khi qua giao lộ cũng như không giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước nên lúc này thì đến giao lộ phải phanh đột ngột làm cho xe sau đâm vào đít, còn lúc khác thì lại đâm vào đít cái xe phanh đột ngột ngay liền đằng trước!

Vì vậy quy việc tai nạn xảy ra cho một hành vi chấp hành luật giao thông là dừng trước đèn vàng (cho dù có đột ngột hay không) trong khi lờ đi một hành vi vi phạm là thủ phạm gây ra tai nạn là không giảm tốc độ để có thể dừng lại an toàn khi có tín hiệu dừng là một sự vu vạ.

Vì thế, không phải là không có lý khi cho rằng việc xử nghiêm lỗi vượt đèn vàng (khi xe chưa vượt qua vạch dừng) sẽ làm cho người lái xe quan tâm hơn đến việc giảm tốc độ đến mức an toàn khi đi qua các giao lộ để vừa tránh đâm vào đít xe đằng trước vừa tránh đâm nhau ngay tại giao lộ khi cả 2 xe đều cố vượt đèn vàng với tốc độ không an toàn từ 2 phía khác nhau và việc xử phạt này cũng không có gì mâu thuẫn với Luật GTĐB hiện hành.

Cuối cùng, nếu các bạn vẫn chưa tâm phục khẩu phục về việc phạt lỗi vượt đèn vàng thì cũng chỉ mong rằng các bạn hãy luôn luôn GIẢM TỐC ĐỘ ĐỂ CÓ THỂ DỪNG LẠI ĐƯỢC AN TOÀN khi đi qua các giao lộ. Lúc ấy từ LŨY TRE LÀNG mới có thể đi đến được THẾ GIỚI VĂN MINH chứ không thì rất dễ phóng thẳng xuống… nghĩa địa! Đấy mới là điểm mấu chốt của vấn đề!

  H.H

[*] Mời xem bài viết này ở ĐÂY

 

4 Responses to Từ lũy tre làng đến… nghĩa địa

  1. Năm Gia Định says:

    Tác giả bài viết trên Blog Tre Làng nói “Đừng tự tách mình ra khỏi thế giới văn minh…” là bác ấy tự nhủ cá nhân bác ấy thôi mà!

    • hahien says:

      Bác ấy còn ví phạt lỗi dừng đèn vàng “chẳng khác việc cắm biển 40km/h ngay đằng sau biển 100km/h”. Thế có nghĩa là bác ấy cho rằng phải được phép phóng 100 km/h ở các ngã ba, ngã tư!

      Chắc “thế giới văn minh” theo định nghĩa của bác này là thế giới… bên kia quá!

      • Bố Ti Ngố says:

        Trưa nay TV đưa tin về an toàn giao thông, có nói đến tình trạng ở các nút giao thông mà có cảnh sát đứng thì mọi người tuân thủ luật lệ, không có cảnh sát thì môt số người vi phạm luôn. Cũng giống như một số công nhân nhà máy, có đốc công thì mới làm đúng quy định; một số công chức viên chức cơ quan khi có mặt sếp thì mới không chơi game v.v… Những người này mang tâm lý kẻ nô lệ, chỉ làm đúng khi có người khác kiểm soát mình. Họ mới đúng là chưa ra khỏi lũy tre làng.

  2. Pingback: BRT: bản chất là tạo bất bình đẳng giữa hai loại hình giao thông | Hahien's Blog

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.