Tiên sư bố các anh chứ…

 

Truyện ngắn của Lưu Trọng Văn
Theo FB Lưu Trọng Văn

cpcGã chân ướt chân ráo ngồi mô-tô xuyên Việt theo đoàn đua xe đạp do đạo diễn Phạm Khắc rủ rê cả đi lẫn về gần 4000 cây số, về lại Sài Gòn thì Lý Quý Chung – cựu bộ trưởng thông tin dưới thời Dương Văn Minh, thư ký tòa soạn báo Lao Động nói với gã, ông đi Campuchia nhé.

Chả biết mô tê gì, cứ đi là gật đầu liền.

Lý Quý Chung cùng gã lên phòng của tổng biên tập Tống Văn Công. Bác Công vào đề luôn, chú nó đi chứ? Lắm chuyện. Có gì khó đâu cái chuyện đi Campuchia ấy mà có vẻ như cả hai bác Chung và Công đều tỏ vẻ nghiêm trọng như thế.

Lúc sau Trần Trọng Thức cặp bài trùng với Lý Quý Chung góp công rất lớn tạo nên thương hiệu Báo Tin Sáng, Tuổi Trẻ, Lao Động chủ nhật, phó thư ký tòa soạn, kiêm trưởng ban kinh tế cũng kéo gã ra một góc tâm sự. Ông giờ đã có con (lúc ấy con trai gã là bé Nê gần ba tuổi), ông nên suy nghĩ cẩn thận trước quyết định này.

Gã lại càng ngạc nhiên. Các bố này dở hơi hết rồi hay sao mà đi Campuchia làm như một cuộc thử thách gì ghê gớm lắm. Muỗi! Gã cười.

Sáng hôm sau gã được triệu tập lên gặp lãnh đạo thành phố với những nhà báo đi Campuchia.

Hơn ba mươi mống từ nhiều tờ báo khác nhau. Hồ hởi lắm. Tay bắt mặt mừng, đi hả, đi cho vui nhá. Ông Lương Xuân Lý phó giám đốc Sở Ngoại vụ TPHCM nói rất thẳng, dội cả đống nước lạnh vào sự hồ hởi kia.

Yêu cầu các đồng chí ai có áo chống đạn thì mang theo. Đi đâu cũng không được đi lẻ.Tình hình bên ấy báo về rất căng thẳng. Đây là cuộc bầu cử tự do, do Liên hợp quốc chủ trì. Bên ấy có nhiều đảng. Tranh giành nhau ác liệt. Theo dự báo Khmer đỏ được Trung Quốc hậu thuẫn quyết tâm phá cuộc bầu cử này để gây tiếng vang.

Gã về lại tòa soạn tại 120 Nam Kỳ Khởi Nghĩa đối diện với Tòa án – một công trình kiến trúc Pháp rất bề thế, nhà thơ Hoàng Hưng trưởng ban Văn hóa Văn Nghệ lôi gã ra cà phê dưới gốc đa già bên hông tòa soạn, nơi Lý Tự Trọng bị hành quyết.

Hoàng Hưng bảo, ông không biết à, đây là nhiệm vụ của bọn phóng viên ban Quốc tế. Chúng nó trốn tiệt. Ông đi làm gì?

Nhói một chút. Gã nghĩ ngày trước mình vô tư lên đường, nguy hiểm chết chóc hơn nhiều cơ mà. Nhưng lời của Trần Trọng Thức day day ngực gã, ông có con còn nhỏ.

Đúng là khi con người ta có con thì chiến tranh là câu chuyện hoàn toàn khác thật. Và sau này, khi Bé Nê con trai gã 17 tuổi gã phải dẫn tới Quận đội quận Nhất, Sài Gòn để làm thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự, gã đã thấy mình không còn cái gọi là nhiệt huyết như xưa.

Gã nhìn chiến tranh là cái gì khốn nạn, khủng khiếp nhất. Gã lần đầu biết sợ nó khi nghĩ về nó. Mọi khi gã chỉ sợ khi trực tiếp đối diện nó mà thôi.

Lúc ấy gã mới thấy thương cha mạ gã biết bao nhiêu khi đưa tiễn Nông em trai gã ra trận, và gã mới hiểu hết cha gã im lặng đứng trên ban công nhìn theo gã khoác ba lô vượt Trường Sơn. Gã càng thấy sự tàn ác quá đáng của những kẻ xoen xoét mồm ngợi ca sự hy sinh của Mẹ Thứ ở Quảng Nam để cho mẹ lần lượt đón nhận tin 9 đứa con chết trận.

Giải cứu binh nhì. Sao không có những cuộc “giải cứu binh nhì” như thế ở đất nước gã?

Gã chậc lưỡi nói với Hoàng Hưng.Tôi vẫn đi.

Bé Nê ơi đêm đó, con say ngủ, con không thể biết rằng cha đã lặng lẽ lén ôm hôn con.

Đúng giờ. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, chả phải thủ tục gì.Mấy anh cán bộ an ninh nhìn gã như có gì đó chia sẻ. Gã cười chào. Chưa bao giờ thấy các anh ấy dễ thương và dễ dãi như thế. Hình như có một em hải quan nói câu gì đó mà gã đoán được… dở hơi.

Chiếc máy bay với cả trăm ghế, nhõn ba mống. Hề. Biến đâu hết cả rồi các nhà báo từng hừng hực khí thế của tôi ơi? Ba mống đó là gã, thằng Hữu Quan phóng viên Đài Tiếng nói Nhân dân TpHCM – một cựu lính chiến, thằng Hồng Sơn, phóng viên Báo SGGP cũng là một cựu lính chiến. (Sơn sau này là Phó TBTbáo SGGP).

Máy bay sau 30 phút bay đáp xuống Sân bay Pochentong vắng ngắt. Bọn gã được đưa về Sứ quán VN.

Phnom Penh bây giờ sau 13 năm gã trở lại sạch đẹp hơn rất nhiều. Thành phố đông đúc và tràn sức sống hơn, nhưng hoàn toàn vắng bóng bộ đội VN vì tất cả đã về nước năm 1989 rồi. Lực lượng Bảo vệ Hòa bình của Liên Hợp quốc cùng quân đội Campuchia đảm bảo trật tự ở đây.

Trước sứ quán có trạm gác do quân Campuchia gác. Đầu đường có hai chiếc thiết giáp, trên nóc là hai khẩu trung liên.

Camphuchia – đa nguyên, đa đảng. Campuchia hoàn toàn kinh tế thị trường, không định hướng quốc doanh gì ráo.

Campuchia tự do.

Gã thấy ấm lòng. Và càng ấm lòng cho cả những người lính mà gã từng sống chết với họ trước đây, khi thấy một đất nước thực sự hồi sinh.

Do ai?

Chỉ có những kẻ bất nhẫn mới lơ đi cái câu hỏi ấy.

Một cuộc sống khác hiện lên trước mắt gã.

Tổng biên tập Báo Prochiachuon – Nhân dân – của Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia buồn rầu nói với gã, không còn được độc quyền nữa, báo rớt đài thảm hại, bán không ai mua.

Tự do. Người Campuchia đã có quyền tự do lựa chọn báo nào mình thích đọc mà. Ôi thôi thôi, sao lại còn rơi rớt nỗi buồn ấy chứ? Nhầm to rồi bạn ơi, gã không phải là người để bạn đặt niềm tin chia sẻ nỗi buồn ấy. Bạn có biết không, có nhiều nhà báo nước gã chỉ ước ao viết báo tự do như nước của bạn bây giờ. Chỉ ước ao xin giấy phép ra báo một cái là được chấp nhận liền như nước của bạn bây giờ.

Cuộc bầu cử này gã không ngờ lại là sự kiện toàn cầu như thế. Hàng trăm nhà báo quốc tế với đủ các báo, các đài truyền hình, phát thanh, các hãng thông tấn hàng đầu thế giới có mặt.

Lép vế quá các nhà báo nước gã. Ngoài Bắc cánh phóng viên cũng hầu như trốn sạch, gã chỉ gặp thằng Yên Ba phóng viên Báo QĐND (sau này lên phó tổng biên tập báo QĐND). Còn đại diện của báo Nhân Dân là tướng Nguyễn Chí Trung – một tay súng anh hùng ở Quảng Nam cùng với Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Bùi Minh Quốc.

Họp báo Quốc tế về tiến trình bầu cử vô cùng sôi động, vì gã thấy đám nhà báo các nước phương Tây lúc nào cũng hăng hái hỏi, dồn, cãi.

Gã mù tiếng Anh, tiếng Pháp nhưng được cái có tài phán đoán qua cử chỉ, ngữ điệu, nét mặt.

Gã khoái nhất là một em phóng viên người Anh, em mặc chiếc áo ba lỗ, không có áo ngực, mỗi lần em giơ tay xin được hỏi là gã thấy toàn bộ đám lông nách đầy vẻ khiêu khích.

Hỏi chán. Em xách cái bị cói ra khỏi phòng họp. Gã lò dò thám báo thấy em tót lên một chiếc xe ôm vọt biến về phía Hoàng cung bên sông Tonle Sap.

Bụi lắm cô em. Gã mà biết tiếng Anh thì gã thề sẽ không bao giờ để em thoát khỏi gã. Nói phét. Gã biết mình nói phét. Nhưng qua câu chuyện này gã tiết lộ một bí mật của đời gã là gã rất thích các nàng để lông nách mà lại từ đó tỏa ra cái mùi hoi hoi.

Họp báo quốc tế gì mà cánh nhà báo ta như chầu rìa. Nhầm đấy các em. Muốn biết thông tin mật, thông tin nội bộ à? Họp giao ban của Sứ quán VN – bộ tư lệnh điều phối thông tin, là biết hết. Gã được cung cấp đầy đủ về diễn biến bầu cử và nhất là tình hình chống phá của Pôn Pốt với của các “đồng chí” Trung Hoa, những người tưởng như nắm thóp tình hình Campuchia sau hội nghị Thành Đô.

Tình hình là rất chi… tình hình. Có khả năng quân Pôn Pốt sẽ tấn công Phnom Penh nếu biếc chắc chắn Hun Sen thắng cử. Phunxipech, đảng đối lập được Trung Quốc hậu thuẫn và cả nhiều nước phương Tây hậu thuẫn ra mặt có vẻ tự tin vào chiến thắng của mình cùng với áp lực khủng bố của Khmer đỏ nữa.

Tâm lý chống chính quyền VN vẫn tràn ngập khắp nơi, gã thú thật gã cũng chả ưa gì các bác lãnh đạo chính quyến ấy. Nhưng cái gì phải ra cái đó. Tiên sư bố các anh chứ. Lúc bọn Khmer đỏ – Khmer Mao hủy diệt, tàn sát hai triệu người dân xứ sở này thì các anh ở đâu?

Có nhiều cuộc chiến tranh ở nước gã gã có thể còn tranh luận đúng sai, chứ tiên sư bố các anh có hai cuộc chiến tranh chống giặc Tàu phương Bắc và chiến tranh giải phóng Campuchia khỏi nạn diệt chủng thì gã cương quyết khẳng định rằng nhân dân VN của gã là chính nghĩa. Vô cùng chính nghĩa.

Các anh đừng nhầm lẫn việc các anh không ưa hoặc căm ghét thể chế cộng sản cầm quyền ở nước gã với sự đổ máu hy sinh của cả dân tộc gã trong hai cuộc chiếntranh này.

Với gã dù ai thắng cử, thân VN hay không thân VN không quan trọng, nhưng dứt khoát nhân dân phải được lựa chọn tự do chính thể mà mình tin tưởng. Và gã biết chắc chắn không người dân nào ở xứ sở này lại chọn lựa Khmer đỏ và những kẻ đồng lõa với chúng.

Gã đang nằm ngáy trưa trên bàn ở Sứ quán thì bị lay dậy.

Mở mắt là thiếu tướng Nguyễn Chí Trung, thực chất là cố vấn đặc biệt của thủ tướng Hun Sen núp danh là đại diện của Báo Nhân Dân.

Đi với tao.

Đi đâu ạ?

Cứ đi.

Thì đi.

Gã ra cổng Sứ quán thấy một chiếc Volga màu đen bóng, hì lại Volga đen bóng. Chắc của lãnh đạo cao cấp nào đó của nước bạn tới thăm Sứ quán.

Mày lên xe đi. Nhõn một xe.Thế là gã tót lên ghế trước ngồi, nhường ghế sau cho đồng chí tướng tuổi cỡ sáu mươi rồi nhưng vẫn chưa biết mùi vợ là gì.

Hê hê, gã bật cười khi bổn cũ lặp lại, ông tướng đưa cho gã khẩu AK và vẫn cái câu gã nghe quen hơn 13 năm trước, cứ thấy động bên đường là bắn.

………………….

Ngày mai, hề hề… nếu ai còn hứng nghe gã kể chuyện thì ráng chờ vậy.

(FB Lưu Trọng Văn)

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.