Hy vọng sang năm mới không phải “đoán mò” nữa.

Hà Hiển

Các nhà kinh doanh xăng dầu yên lòng?

Chương trình thời sự của Đài Truyền hình VN tối ngày 30/12 30/12/2011 dẫn lại tin từ  TTXVN về một thông báo ngắn gọn của Tổng cục Đo lường chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam rằng “mẫu xăng lấy từ chiếc xe hiệu Attila cháy trên đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội không chứa methanol và aceton, các hàm lượng phù hợp với quy chuẩn chất lượng Việt Nam.”

Cũng theo TTXVN được Dân Trí đăng lại  cùng ngày thì  ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Đo lường chất lượng cũng xác nhận rằng “các mẫu xăng ở các vụ cháy xe trước đó cũng được cơ quan kiểm nghiệm, nhưng không phát hiện chất khác lạ trong các mẫu này.”

Thông báo rất ngắn gọn với những từ ngữ theo một phong cách pháp quy khá chuẩn mực này của một cơ quan Nhà nước chắc sẽ làm cho các nhà kinh doanh xăng dầu và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu yên lòng.

Dân vẫn hoang mang

Chiếc xe bị cháy lúc 5h30 sáng nay 31/12/2011 – Ảnh: Dân Trí

Nhưng nỗi hoang mang của người dân thì vẫn còn nguyên, nếu không nói là lại còn tăng thêm, vì thế thì không biết nguyên nhân gây ra hàng loạt các vụ cháy nổ xe vừa qua là gì?

Chỉ sau thông báo trên 1 ngày, vào  5h30 sáng nay 31/12 đã xảy ra vụ cháy một xe du lịch 16 chỗ , trên đường cao tốc Liên Khương – đèo Prenn mà một bài viết trên Dân Trí  miêu tả là “bất ngờ bốc cháy dữ dội” và rất may là không có thiệt hại về người

Trong tình cảnh ấy, mặc dù chỉ vài tiếng nữa là hết năm 2011, cho đến thời điểm này ai dám chắc đây sẽ là vụ cháy xe cuối cùng trong năm? (*)

Không liên quan đến nhau?

Cũng theo Dân Trí dẫn lời ông Trần Văn Vinh, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Đo lường chất lượng nói thêm rằng “cơ quan chuyên ngành” đã  “tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng xăng tại Cầu Giấy, Hà Nội” và đây (tức là việc kiểm tra cửa hàng xăng này và việc kiểm tra mẫu xăng từ chiếc Atila bị cháy như đề cập ở trên – HH) là hai vụ việc không liên quan đến nhau.”

Còn một bài đăng trên Vnexpress ngày hôm qua (30/12/2011)  thì nói rõ hơn rằng “Bộ Khoa học Công nghệ đã phát hiện một mẫu xăng có chứa tới 15,3% metanol tại Cửa hàng xăng dầu Mai Dịch, thuộc Công ty cổ phẩn sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm, km 9 Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội).”

Trong bài báo này, VnExpress cũng trích đăng từ một bài báo khoa học của nước ngoài công bố năm 2010 ý kiến của tác giả David A. Kingston mà theo bài báo này là “người có kinh nghiệm 42 năm trong tập đoàn ExxonMobile (Mỹ)” trong đó tác giả khuyến cáo hạn chế sử dụng metanol trong xăng vì nó là thứ “dung môi cực mạnh, hòa tan các chất hữu cơ thì metanol là chất ăn mòn mạnh, đặc biệt là nhôm và quá trình ăn mòn này tiếp diễn cho tới khi nhôm (bị ăn mòn) hết hoặc nồng độ metanol không đáng kể…”, trong khi những động cơ hiện đại có tỷ lệ nhôm rất cao và các kim loại khác như  “đồng, đồng thau, kẽm và sắt bị ăn mòn khi nồng độ metanol đạt 15%.”

(Xin nhắc lại là mẫu xăng thu được từ  Cửa hàng xăng dầu Mai Dịch, thuộc Công ty cổ phẩn sản xuất dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm, km 9 Hồ Tùng Mậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chứa tới 15,3% metanol như đề cập ở trên)

Đó là chưa nói đến việc “metanol còn gây ra những vấn đề với chất đàn hồi trong hệ thống cung cấp nhiên liệu cho động cơ” như ý kiến của tác giả David A. Kingston cũng được Vnexpress trích dẫn ở trên mà cũng theo bài báo này thì “Liên minh 12 hãng xe gồm BMW, Chrysler, Ford, General Motors, Jaguar, Land Rover, Mazda, Mercedes-Benz Mỹ, Mitsubishi, Porsche, Toyota, Volkswagen Mỹ và Volvo Bắc Mỹ đã ra bản tuyên bố trên toàn cầu về việc ngăn ngừa sử dụng metanol trong nhiên liệu.”

Đoán mò

Tất nhiên những ý kiến nói trên cũng chỉ là một ý kiến cá nhân của một người Mỹ và xin dành phần đánh giá cho các cơ quan quản lý chất lượng chuyên ngành “có thẩm quyền” của chúng ta. Nhưng trong khi chờ mãi mà vẫn chỉ nhận được những văn bản kết luận chung chung với những câu chữ lạnh lùng như “đây là vấn đề phức tạp còn cần thời gian để nghiên cứu”, hoặc “việc cháy xe là có nhiều nguyên nhân”, hoặc “chưa có cơ sở để kết luận nguyên nhân”, hoặc như văn bản thông báo của Bộ KH và CN như đề cập ở trên rằng các vụ  này việc này kia là “không liên quan đến nhau” thì những dân thường như tôi đành phải cứ đưa ra những phỏng đoán  mò để trước thì tự lo thân mình, sau thì vì mối quan tâm đến chuyện an toàn của cộng đồng, của xã hội…,  mặc dù không ít người biết chuyện đều bảo mình sao cứ “rỗi hơi” đi lo việc của Nhà nước.

Và trong các entry trước, người viết bài này cũng đã đưa ra phỏng đoán mò rằng có chất lạ nào đấy ở trong xăng gây phá hỏng các chất dẻo và/ hoặc ăn mòn các chi tiết bằng kim loại của hệ thống cung cấp nhiên liệu trong động cơ làm xăng rò rỉ gây cháy.  Sự “đoán mò” này cũng xuất phát từ một loạt “đoán mò” của các blogger và cư dân mạng “rỗi hơi” khác rằng có thể chất đó là methanol hay acetone.

Còn hôm nay, sau khi đọc được ý kiến của cái ông người Mỹ có tên là David A. Kingston nào đó  cho rằng methanol không chỉ có “những vấn đề với chất đàn hồi trong hệ thống cung cấp nhiên liệu cho động cơ” mà còn có tính ăn mòn kim loại cao, đặc biệt là  quá trình ăn mòn này tiếp diễn cho tới khi… nồng độ metanol không đáng kể.” –  mà nếu nói nôm na có nghĩa là các “chiến sĩ” methanol sẽ “chiến đấu” và hy sinh (bay hơi) đến “người” cuối cùng để xuyên thủng “bọn” kim loại trong hệ thống dẫn xăng, thì người viết bài này cũng cảm thấy cái sự “đoán mò” của mình và những người “rỗi hơi” khác là có cơ sở.

Nếu theo cách diễn giải nôm na như thế trên cơ sở ý kiến của người Mỹ nọ thì giả sử như chiếc xe hiệu Attila cháy trên đường Trần Phú, quận Hà Đông đã dẫn ở trên và các xe đã cháy khác mà trước đó có sử dụng xăng có pha methanol thì việc sau khi cháy nó “không chứa methanol và aceton” nữa và “các hàm lượng phù hợp với quy chuẩn chất lượng Việt Nam” như kết luận của Tổng cục Đo lường chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam là điều “chuẩn không không cần chỉnh” –  vì sau khi gây ăn mòn thì nó gần như biến mất rồi còn đâu!

Thế thì những sự việc mà Tổng cục nọ bảo là “không liên quan với nhau” thì có liên quan với nhau không?

Người viết bài này, cũng như hàng triệu dân thường khác “không có chức năng” để trả lời câu hỏi đó mà cũng chỉ đặt ra câu hỏi “nhạy cảm” như thế để mà  đoán mò thôi nhé.

Nhưng chẳng lẽ trong cái TÌNH CẢNH NÀY, dân thường cũng không có cả quyền đoán mò?

Hy vọng từ  năm 2012 trở đi, người ta không phải đoán mò thêm nhiều thứ nữa.

Và cũng cầu mong trong những năm sau sẽ ngày càng bớt đi những xui xẻo như thế này nữa đối với dân ta.

——————————————————————————————–

(*) Khi entry này mới được viết xong một vài tiếng đồng hồ thì chủ blog tôi lại đọc được trên Vnexpress tin về một vụ cháy xe nữa (nhãn hiệu Ford Escape) khiến 2 người trên xe bị bỏng nặng xảy ra tại Đông Hà – Quảng Trị vào chiều nay 31/12/2011.

Không biết từ thời điểm chủ blog tôi đang viết những dòng này (22 giờ 20 phút) cho đến thời khắc giao thừa kết thúc năm 2011 có còn xảy ra vụ cháy xe nào nữa hay không???

5 Responses to Hy vọng sang năm mới không phải “đoán mò” nữa.

  1. Dong says:

    Hy vọng sang năm mới anh và gia đình tràn trề sức khỏe và hạnh phúc. Điều này không phải đoán mò.

    • hahien says:

      Cám ơn Dong rất nhiều.

      Cũng xin chúc bạn và tất cả những người thân yêu của mình một năm mới hạnh phúc cùng những điều tốt đẹp mới mẻ. 🙂

  2. Pingback: Ai mới là vô trách nhiệm? « Hahien's Blog

  3. Pingback: quechoa.info Ai mới là vô trách nhiệm? | rfi

  4. Pingback: AI MỚI LÀ VÔ TRÁCH NHIỆM? « Tiếng Nói Dân Chủ

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.