Về bức thư của ông Đại sứ – Có cần phải gãi đầu không, thưa GS Nguyễn Văn Tuấn?

 

Hà Hiển

Trước hết, xin nói trước rằng mình không có thói quen hay bẻ câu, bắt chữ của người khác nếu như mình hiểu được nội dung vấn đề mà họ muốn chuyển tải ( trừ trường hợp vì lý do nào đấy bất đắc dĩ phải hầu kiện tại tòa) vì luôn nhớ câu các cụ dạy:  “văn mình vợ người…”.

Mình cũng xin được tự nhận là một fan rất hâm mộ những bài viết rất sâu sắc và thâm thúy của G.s Nguyễn Văn Tuấn. Gần như bài nào của GS mình cũng đọc và thấy rất tâm đắc. Mình luôn coi ông là một người thầy theo đúng nghĩa, kể cả trong  khi đang viết bài này thì mình vẫn kính trọng ông như vậy – qua những bài viết về rất nhiều lĩnh vực của ông, mình đã học hỏi được rất nhiều.

Vì thế mà mình cảm thấy rất tiếc khi thực lòng không thấy tâm phục khẩu phục đối với một bài viết gần đây của GS bắt bẻ một số câu chữ tiếng Anh trong lá thư ngày 3/7/14 của Đại sứ VN tại LHQ được cho là gửi đến Tổng thư kí LHQ.


Trước hết,  ngoài việc góp ý của GS về việc đặt dấu phẩy sai ở một câu trong bức thư là một ý kiến xác đáng, mình không dám có ý kiến gì về những góp ý của GS Tuấn liên quan đến hình thức của bức thư như việc tên người gửi phải được đề ngay từ phần đầu của lá thư trong khi ông đại sứ lại đề ở phần dưới, hoặc vào đầu thư mà chỉ viết “Excellency” với ngài Tổng thư kí LHQ là cách “xưng hô vô lễ”…

Những góp ý về hình thức này xin nhường lại câu trả lời cho các nhà ngoại giao.

Mình thì đoán lá thư đó có thể được gửi đến toàn thể Đại hội đồng LHQ mà ông Tổng Thư ký chỉ là người nhận đại diện nên ông Đại sứ mới đề như vậy. Đoán thế thôi nhưng không dám chắc nên không dám luận bàn. Nếu điều GS Tuấn nói là chính xác thì ông Đại sứ nên tiếp thu.

Nhưng mình thấy không tâm phục khẩu phục ở câu GS Tuấn viết sau đây:

‘ “Còn đọc phần text thì còn nhiều điều đáng nói nữa. Tôi nghĩ nếu là người am hiểu tiếng Anh sẽ phải “struggle” để hiểu những ý trong tài liệu, vì cách dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Ngay từ đầu, câu “rejects as completely unfounded, in fact and in law, China’s sovereignty claims ….” Người ta phải gãi đầu để hiểu câu “in fact and in law”, nhưng khi đọc bản tiếng Việt thì có câu “cả trên thực tế cũng như trên pháp lí” (và đó chính là cách dịch!) Đáng lẽ phải viết là “in factual and legal considerations” ‘.

Thoạt đầu, mình không hiểu tại sao lại phải “gãi đầu” khi đọc cái cụm từ (mà GS Tuấn bảo là “câu”!) “in fact and in law”. “Fact” dịch sang tiếng Việt có nghĩa là “thực tế”, còn “law”“pháp lý”, “in fact and in law” thì cứ “word by word” mà “phang thẳng cánh” là “trên thực tế cũng như trên pháp lý” một cách đơn giản và không thể nào đúng hơn như đoạn tiếng Việt mà GS Tuấn đã dẫn chiếu. Có gì mà phải lăn tăn nhỉ ??? Việc gì cứ phải “in factual and legal considerations” cho nó thêm phức tạp !?

Nhưng vì GS Nguyễn Văn Tuấn, một người làm công tác giảng dạy lâu năm tại một nước nói tiếng Anh bảo phải “gãi đầu” thành ra mình cũng giật mình đưa tay lên đầu vừa gãi vừa tự nhủ hay là mình quen dùng “tiếng Anh kiểu Việt Nam” nên nghĩ đơn giản như thế, có lẽ những người như GS Tuấn, một giảng viên đại học lâu năm tại một nước nói tiếng Anh thì mới biết rằng người Anh chính hiệu thì không bao giờ nói hay viết thứ tiếng Anh “giả cầy chấm mắm tôm”“in fact and in law” mà phải nói “in factual and legal considerations” thì mới là chuẩn Ăng lê chăng? Suýt nữa mình đã tin vào điều ấy nếu không ngứa tay gõ thử cụm từ “in fact and in law” lên google thì mới biết đây là cụm từ khá quen thuộc mà “bọn Tây” thường dùng trong những vấn đề có liên quan đến chuyện pháp lý, kiện tụng.

Các bạn có thể nhấn vào ĐÂY để tham khảo

Và đây nữa, ông Trương Nhân Tuấn, trong một bài mới viết trên trang bauxite, có trích một câu của người Mỹ như sau:

“The Republic of Viet Nam, both of a state and government, had ceased to exist in law or fact and the United States had not recognized any government as the sovereigh authority in the territory formerly known as South Viet Nam”
(Tạm dịch chỉ đoạn liên quan đến cụm từ đang bàn (in đậm):Về phương diện pháp lý cũng như thực tế, Việt Nam Cộng hòa đã ngừng tồn tại….”

Như vậy là cái cụm từ “in fact and in law” cũng được bọn Tây, bọn Mỹ nó sử dụng phổ biến trong văn viết đấy chứ !)

Vậy thì cái ông đại sứ kia hẳn đã bị “mắng” oan khi sử dụng lại cái cụm từ “in law and in fact”  này.

Khi đã biết ông Đại sứ bị “mắng” oan như vậy thì mình không tin vào những gì GS Tuấn “mắng mỏ” tiếp như việc sử dụng “the so-called ‘sovereignty’ of China over Hoang Sa” “không nghiêm nghị ngoại giao”, hay những gì gì đó GS nêu ra về “cú pháp” hay “văn phạm” trong bức thư của ông đại sứ nữa.

Trước khi chấm dứt câu chuyện này xin bàn thêm ngoài lề một chút liên quan đến chuyện “tiếng Anh” của người Việt (câu chuyện ngoài lề này không nhất thiết liên quan đến bài viết của GS Nguyễn Văn Tuấn), như sau:

Kể từ khi xã hội bắt đầu mở cửa, tiếng Anh không những trở thành “cần câu cơm” không thể thiếu của rất nhiều người  mà còn là một trong những tiêu chí để đánh giá trình độ cao thấp trong giới trí thức.

Điều ấy khiến người ta ngày càng quan tâm đến việc viết và nói tiếng Anh thế nào cho chuẩn, sự quan tâm này là rất đáng khuyến khích.

Nhưng, nếu quan tâm đến việc nói và viết chuẩn tiếng Anh một cách thái quá thì không khéo sẽ làm cho người ta ngại viết và ngại nói, vì sợ cứ viết hay nói ra câu nào thì sẽ bị “Tây” hay những người được cho là giỏi tiếng Anh hơn chê là không chuẩn, rằng “người Anh chẳng nói thế hay viết thế bao giờ!”

Mình thì không tin là “bọn Tây” sẽ chê những ai nói thứ tiếng nước của bọn chúng không chuẩn. Nhưng người Việt chê bai nhau như vậy thì không phải là ít.

Ví dụ, mình còn nhớ có lần đi dự một cuộc hội thảo có cả Tây và Ta tham dự, có một diễn giả người Việt diễn thuyết bằng tiếng Anh, trong khi bọn Tây chăm chú nghe một cách hết sức nghiêm túc thì anh bạn người Việt ngồi cạnh mình thỉnh thoảng lại cười khẩy, cố tình để người bên cạnh nghe thấy anh lẩm nhẩm chê bai rằng cái thứ tiếng Anh mà gã diễn giả kia đang thuyết trình chỉ là thứ tiếng Anh đã bị “Việt hóa”, là thứ “giả cầy” mà người Anh không bao giờ dùng như vậy.

Mình không biết biết mấy  ông Tây kia suy nghĩ gì về tiếng Anh của diễn giả nọ, nhưng qua thái độ chăm chú lắng nghe rất nghiêm túc của họ thì mình nghĩ họ đang thực sự bị cuốn hút bởi những lời thuyết trình của diễn giả. Mình đoán là họ cũng có cảm giác giống như mình khi đọc những bài viết rất hay bằng tiếng Việt của một người ngoại quốc là ông Jonathan London. Tiếng Việt của ông Jonathan London không thể nói là chuẩn mực, nhưng nội dung thú vị trong những bài viết ấy làm cho mình không còn để ý đến cái sự không chuẩn mực này, mà có khi chính cái sự ngô nghê trong cách dùng tiếng Việt của tác giả lại làm cho những bài viết này có những sắc thái riêng rất trong sáng của nó.

Trở lại chuyện anh bạn ngồi cạnh mình trong cuộc hội thảo nọ. Có lẽ cũng bởi vì anh ta quá để ý đến sự chuẩn mực của tiếng Anh để soi xét câu chữ của người nói hơn là chủ đề chính của cuộc hội thảo nên trong khi mọi người , trong số đó đa số là Tây, thi nhau đặt câu hỏi và tranh luận chung quanh nội dung người ta vừa thuyết trình thì anh chàng nọ suốt cả buổi cứ ngồi im như thóc. Mình không rõ anh ta không biết điều gì để nói hay anh sợ nói gì thì lại bị người khác nhận xét về tiếng Anh của chính mình cũng “không chuẩn”? Có lẽ là vì cả hai lý do này chăng?

Nói và viết tiếng Anh chuẩn là điều quá tuyệt vời, giúp tăng hiệu quả cho việc giao tiếp là điều không thể phủ nhận. Nhưng nếu cầu toàn quá đến mức nếu không chuẩn thì không dám nói hay viết gì cả thì còn đâu giao tiếp nữa để mà tăng hiệu quả! Của đáng tội, cũng chỉ bởi vì người Việt chúng ta hay chê nhau quá nên ai cũng sợ bị chê!

Chưa nói đến ngoại ngữ, nếu bạn đến Quảng Bình mà không muốn nói chuyện với người Quảng Bình chỉ vì họ không nói giọng “Hà Nội chuẩn” như bạn, hoặc giả bạn không nói được tiếng Quảng Bình nên không dám nói vì sợ người ta cười chê thì cả 2 trường hợp bạn sẽ ngủ ngoài trời với cái dạ dày rỗng không.

Nhiều phụ huynh kêu ca con em họ học xong chương trình tiếng Anh phổ thông mà không sử dụng được tiếng Anh. Nhưng nếu quan niệm của họ về việc “sử dụng được” phải có nghĩa rằng con em họ sau khi học xong phải viết tiếng Anh đúng như người Anh không sai một chữ, phát âm phải đúng chuẩn “giọng London” như báo chí vừa qua đã nêu ra thì nếu ông Trời mà làm bộ trưởng giáo dục thì cũng bó tay!

Trở lại mạch chính của bài viết này – Đối với những nhà ngoại giao chuyên nghiệp như ông Đại sứ đề cập trong bài viết thì việc người ta đòi hỏi “chuẩn” về tiếng Anh của họ phải cao một bậc so với những giới khác là điều tất nhiên.

Nhưng điều đó cũng không có nghĩa rằng đã là nhà ngoại giao thì phải dùng cụm từ “in factual and legal considerations” thì mới cao cấp, sang trọng, mới đúng là “Tây” hơn là cái cụm từ “in fact and in law” chỉ đọc qua đã thấy quá đơn sơ và quê mùa một cục, có phải vậy không thưa GS Nguyễn Văn Tuấn?

9 Responses to Về bức thư của ông Đại sứ – Có cần phải gãi đầu không, thưa GS Nguyễn Văn Tuấn?

  1. Nguyễn Đức TOAN says:

    NHÀ CHÁU NGỪA NGHỀ CŨNG XIN GIƠ TAY CÓ TÍ Ý KIẾN

    1. XƯNG HÔ “EXCELLENCY” HAY SỐ NHIỀU LÀ “EXCELLENCIES” TRONG NGOẠI GIAO LÀ HOÀN TOÀN TRÂN TRỌNG, KHÔNG NHẤT NHIẾT PHẢI THÊM YOUR ĐẰNG TRƯỚC: ĐÃ TỪNG DỰ NHIỀU HỘI NGHỊ QUỐC TẾ Ở NƯỚC NGOÀI CÓ ĐẠI BIỂU TỪ BỘ TRƯỞNG LÊN ĐẾN TỔNG THỐNG/THỦ TƯỞNG TÔI THẤY HỌ ĐỀU XƯNG HÔ NHƯ VẬY.

    2. “…PLEASE ACCEPT, EXCELLENCY, THE ASSURANCES OF MY HIGHEST CONSIDERATION…” XIN THƯA VỚI GIÁO SƯ LÀ CÂU NÀY LÀ CÂU MẪU TRONG THƯ NGOẠI GIAO MÀ BẤT KỲ NƯỚC NÀO SỬ DỤNG TIẾNG ANH CŨNG DÙNG; NGHĨA LÀ “…XIN GỬI TỚI QUÝ NGÀI LỜI CHÀO TRÂN TRỌNG NHẤT”. NGÀY XƯA NHÀ CHÁU MỚI HỌC TIẾNG ANH VÀ HỌC MẪU CÂU NÀY CŨNG THẮC MẮC SAO LẠI CÓ KIỂU VĂN LẠ THẾ NHẨY???!!! SAU NÀY CHÁU XỬ LÝ CÔNG HÀM CỦA CÁC ĐẠI SỨ QUÁN TINH THẤY HỌ VIẾT THẾ.

    3. VIỆC ĐẶT TÊN NGƯỜI NHẬN Ở DƯỚI CŨNG KHÔNG PHẢI LÀ LỖI VÌ ĐÂY LÀ CÔNG HÀM CHỨ KHÔNG PHẢI THƯ THƯỜNG. CÔNG HÀM LÀ TRÌNH BÀY LUÔN NỘI DUNG, RỒI CUỐI THƯ MỚI ĐỀ NƠI NHẬN; VÀ THẬM CHÍ NHIỀU CÔNG HÀM CÒN KHÔNG ĐƯỢC ĐỀ TÊN NGƯỜI GỬI MÀ CHỈ CÓ MẪU TIÊU ĐỀ THƯ CỦA BỘ/NGÀNH ĐÓ CHẲNG HẠN; BỘ NGÀNH ĐÓ XƯNG DANH, TRÌNH BÀY,… NGƯỜI PHỤ TRÁCH ĐƠN VỊ PHÁT HÀNH CÔNG HÀM KÝ NHÁY RỒI ĐÓNG DẤU XUÔNG THÔI. MỌI NGƯỜI ĐÃ TỪNG SỬ DỤNG CÔNG HÀM ĐI XIN THỊ THỰC CHẮC CÒN NHỚ CÁCH TRÌNH BÀY NÀY

    VÍ DỤ:
    ĐSQ VIỆT NAM TẠI XYZ XIN GỬI TỚI…

    … TRÌNH BÀY NỘI DUNG….

    … XIN GỬI TỚI … LỜI CHÀO TRÂN TRỌNG (chỗ này ký nháy, rồi đóng dấu “xuông”, chẳng phải đè, chẳng phải treo)

    (đánh máy tên nơi nhận)

    3. CUỐI CÙNG, ĐÃ LÀ DÂN NGOẠI GIAO CHUYÊN NGHIỆP THÌ NGƯỜI TA LUÔN DÙNG ĐÚNG THỨ TIẾNG ANH ĐƯỢC DÙNG TRONG GIỚI NGOẠI GIAO MÀ NGƯỜI ANH NGHĨ RA VÀ DÙNG TRƯỚC RỒI CÁC NƯỚC DÙNG THEO.

    TÔI NGHĨ CHÊ GÌ THÌ CHÊ CHỨ CHÊ BIỂU MẪU THƯ/CÔNG HÀM CỦA HỌ E LÀ HƠI KHÓ NẾU TA KHÔNG PHẢI DÂN NGOẠI GIAO CHUYÊN NGHIỆP. VIỆC DÙNG TỪ “CÁI GỌI LÀ” (“THE SO-CALLED”) TRONG TRƯỜNG HỢP NÀY LÀ HOÀN TOÀN ĐƯỢC, THẬM CHÍ CÒN CHUẨN LÀ KHÁC VỚI Ý MỈA MAI, LÊN ÁN

    ———————————

    TRÍCH DẪN MỘT ĐOẠN CỦA THÀY TUẤN

    ” Thứ nhất là ông đại sứ làm ngược đời! Thay vì đề tên người gửi (tức ngài Tổng thư kí LHQ) ngay từ phần đầu của lá thư, ông đại sứ đề ở phần dưới lá thư! Tôi chưa bao giờ thấy cách sắp xếp rất quái gở như thế này, vì nó phản ảnh một thái độ xem thường người gửi.

    Thứ hai, vào đầu ông đại sứ xưng hô với ngài Tổng thư kí LHQ một cách trống không: “Excellency”. Đó là cách xưng vô lễ. Tôi nghĩ thông thường thì người ta xưng hô theo kiểu

    Dear Mr. Secretay-General,
    hay cũng có thể viết
    Your Excellency,
    thay cho cách viết chức danh.

    Còn cái câu cuối của lá thư là buồn cười nhất “Please, accept, Excellency, the assurances of my highest consideration”. Câu này mang tính rhetoric chẳng có ý nghĩa gì, nhưng có 1 cái sai nhỏ: đó là cách dùng dấu phẩy. Đáng lẽ phải viết là “Please accept, Your Excellency, the assurances of my highest consideration”.

    Một lá thư ngắn ngủn, chỉ có vài chục chữ, mà có khá nhiều sai sót thì quả là đáng tiếc.”

    • hahien says:

      Cám ơn bác đã có lời nhận xét về hình thức của bức thư, thực ra là biểu mẫu công hàm, điều mà tác giả entry này để ngỏ cho các nhà ngoại giao chuyên nghiệp có ý kiến. Vì thế lời bình này của bác sẽ được coi là một phần bổ sung cho và không thể tách rời khỏi entry này.

      Cũng hoàn toàn đồng ý với bác rằng VIỆC DÙNG TỪ “CÁI GỌI LÀ” (“THE SO-CALLED”) TRONG TRƯỜNG HỢP NÀY LÀ HOÀN TOÀN ĐƯỢC, THẬM CHÍ CÒN CHUẨN LÀ KHÁC VỚI Ý MỈA MAI, LÊN ÁN

  2. Vị giáo sư này sống và làm việc tại Úc, không hiểu tình hình đất nước.
    Nếu yêu nước, thì thấy cái gì hay, không hay phải phân tích kỹ càng.
    Đằng này, tôi thấy anh ta hay bới móc, so sánh khập khễnh.
    Nếu hàng ngày anh ta ăn đồng lương như tôi, chắc là “xỉu” luôn, còn nói chi đến làm việc,
    làm khoa học.
    Anh Hà Hiển và anh Toản phân tích thật hay.
    Nói đúng ra, ngay cả người bản xứ, nếu không làm trong lĩnh vực ngoại giao, cũng sẽ hành văn không đúng “khẩu khí” ngoại giao. Nên vị GS này làm trong ngành y, bệnh nghề nghiệp là mổ xẻ, nên mạnh về mổ xẻ!!!
    Chúc mọi người an lành.

    • hahien says:

      Cám ơn bác đã chia sẻ.

      Tuy nhiên, tôi không nghĩ GS Tuấn là người không hiểu tình hình đất nước như bác nhận xét mà ngược lại tôi thấy ông hiểu rất rõ và có nhiều góp ý rất thú vị, đáng học hỏi, tất nhiên là trừ những lời phê của ông đối với ông đại sứ thì theo tôi chưa thật thỏa đáng như tôi đã phân tích trong bài viết.

  3. Nguyễn Trọng Quý says:

    Hahien đã có môt bài phản biện rất hay, rất ý nghĩa.
    Cũng như hahien, tôi rất thích đọc các bài viết của G.S Nguyễn Văn Tuấn. Tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn có bài tôi cảm thấy chưa được chuẩn và khách quan cho lắm (mặc dù GS luôn đề cao tính khách quan trong các bài viết và phương pháp cung cấp thông tin). Hôm nay đọc được bài của hahien phản biện một bài viết của GS Tuấn mà cách đây mấy ngày mình đã đọc và đã có suy nghĩ như hahien.
    Xin cảm ơn hahien !

  4. Quỳnh Ngọc says:

    Em cũng xin phép đươc nói vài lời dù em chỉ là một bà nội trợ và cũng không tự tin cho lắm vào khả năng viêt lách của mình. Đọc bài của bác chủ nhà và các bác bình luận ở trên em nghĩ trăm người trăm ý – mọi người . Tuy nhiên cá nhân em rất thích và cảm ơn sự khắt khe của giáo sư (G.S) Nguyễn Văn Tuấn. Việt nam (VN) mình trong tất cả các linh vực đã quá dư thừa sự luộm thuộm, cẩu thả, kém cỏi nên em mong ông viết nhiều hơn nữa và khắt khe, “bới móc” nhiều hơn nữa những vấn đề to như vận mệnh Đất nước và nhỏ như là một dấu phẩy trong bưc thư của ngài Đại sứ. Đây là cách duy nhất có thể để các bên liên quan (hoặc các bên bị đụng chạm) học hỏi tiến đến hoàn thiện mình ( cho dân đen như chúng em đựơc nhờ) hơn hay bất bình/ tức tối hơn tùy theo thái độ và nhận thức của mỗi người (Cá nhân em nhận thấy một điều thái độ sống và nhận thức thật sự quan trọng quyêt định sự thành công và phát triển của mình như trong trương hợp này bài viết của G.S với một số người là sự bới móc, nhỏ nhặt .. với em là sự khắt khe rất cần thiết nhất là trong văn bản ngọai giao quốc tế. Việc sử dụng ngôn từ một cách nhuần nhuyễn, có chất lượng chỉ có thể thuyết phục người đọc một cách tốt hơn và làm cho người ta “nể” và có cảm tinh với minh hơn chứ không thừa chút nào cả .

    Với nhận xét của bác Nguyễn Đức Toan,hình như bác làm trong ngành ngoại giao? Sao bác viết phản hồi toàn bằng chữ TO vậy? như em được học, nếu viết email/thư toàn chữ TO như vậy là không cần thiết và đôi khi là thiếu tôn trong và thiếu lich sự với người đọc. Xin bác bỏ qua nếu em có nhỏ nhặt hoặc bới móc quá.
    Một số người nghĩ rằng sống ở nước ngoài không hiểu gì về VN, hay có những so sánh khâp khiễng, với em đây là nhận xét không công bằng. Sống ở nước ngoài nhất là các nước phát triển cho ta điều kiện tốt để nhìn nhận về những gì VN ta đã/đang/sẽ “phải chịu”, cho ta cơ hội để hiểu ngóc ngách hệ thống quản lý của họ và tiếp cận thông tin đa chiều từ đó có khả năng so sánh một cách công bằng tại sao nước khác họ làm tốt hơn/thành công hơn nước ta, họ không phải hưởng cái mức lương khiến người ta phai “xỉu” luôn như ta (nhưng ta lai có những cái “lộc” khiến họ xỉu luôn). Nếu sống ở nước ngoài mà cứ đau đáu “săm soi” về VN như G.S Tuấn khiến dân đen như em thật cảm động. Ước gì tất cả các G.S VN sống ở nước ngoài cứ hàng ngày ( hoăc hàng tuần hoặc một tháng/lần), với sự hiểu biết của mình viết một bài thôi để phê bình/chỉ trích/góp ý/ phản biển/bới móc/ chấp nhặt về tất cả các vấn đề tiêu cực to như trái đất nhỏ con kiến ở VN (tùy theo thái độ nhận thức của người đọc) thì những người không viết được như em, xin cảm ơn và có đôi chút hi vong rằng sẽ có ngày mọi sự sẽ thay đổi theo hương tốt đẹp hơn

    • hahien says:

      Rất cảm kích về những tình cảm tốt đẹp mà bạn dành cho GS Tuấn, bởi vì bản thân tôi cũng rất quý mến GS dù không quen biết, và như phần đầu bài viết đề cập, tôi coi ông như là một người thầy. Tuy nhiên, không phải cứ ai là thầy thì nói điều gì cũng tuyệt đối đúng cả. Dù ai là thiên tài đến đâu thì sự hiểu biết của họ cũng là hữu hạn.

      Bạn hãy đọc kỹ lại bài chủ và những ý kiến bình luận ở đây (cho đến thời điểm này) để thấy những ý kiến ấy không có gì mâu thuẫn với quan điểm của bạn rằng một văn bản ngoại giao thì phải “nhuần nhuyễn, có chất lượng” để “thuyết phục người đọc một cách tốt hơn và làm cho người ta “nể” và có cảm tinh với mình hơn”. Tôi nghĩ không ai ở đây phản đối quan điểm hết sức đúng đắn ấy, những ý kiến của họ và tác giả bài viết cũng nhắm vào mục đích ấy giống như bạn mà thôi

      Hoàn toàn đồng ý với bạn rằng: “Sống ở nước ngoài nhất là các nước phát triển cho ta điều kiện tốt để nhìn nhận về những gì VN ta đã/đang/sẽ “phải chịu”, cho ta cơ hội để hiểu ngóc ngách hệ thống quản lý của họ và tiếp cận thông tin đa chiều từ đó có khả năng so sánh một cách công bằng tại sao nước khác họ làm tốt hơn/thành công hơn nước ta”.

      Những người đang sống ở nước ngoài luôn hướng về đất nước, giành nhiều thời gian đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho quê hương, đất nước mà GS Tuấn là một trong những ví dụ tiêu biểu, là rất đáng trân trọng.

      Thân mến.

  5. Pingback: Tiếng lước ta còn chưa thõi, lém đá nhau về “tiếng Anh” làm giề? | Hahien's Blog

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.