Thấy gì qua những kiến nghị sửa đổi Hiến pháp của Chính phủ?

Hà Hiển

hienphap4c2“… để tăng cường trách nhiệm cá nhân thì phải xác định cho rõ vị trí của Thủ tướng, Phó thủ tướng và các thành viên Chính phủ…

Để tăng cường vai trò của cơ quan hành pháp…, Chính phủ kiến nghị cần cho phép thiết chế này được có một vị trí độc lập nhất định để có thể thực hiện linh hoạt quyền điều hành, đối phó với các tình huống…”

Những ý kiến trên nằm trong số “8 nhóm vấn đề kiến nghị” được Chính phủ chuyển tới Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, được ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp tổng hợp trong cuộc trao đổi với báo chí sáng nay, 17/5/2013, và được VnExpress đăng lại (*)

“Kiến nghị” trên có thể được hiểu một cách nôm na rằng muốn (chúng) tôi (tức là chính phủ hoặc cá nhân thủ tướng và từng bộ trưởng) phải chịu trách nhiệm cá nhân nhiều hơn thì trước hết phải xác định rõ vị trí của (chúng) tôi, phải cho phép (chúng) tôi có một vị trí độc lập hơn, tóm lại là phải trao thêm nhiều quyền quyết định hơn cho (chúng) tôi.

“Thông điệp” này cũng hàm ý rằng tình hình hiện nay là vị trí của Thủ tướng chưa được “xác định rõ” và cơ quan hành pháp chưa có “một vị trí độc lập nhất định”, và trong tình trạng như vậy thì việc đòi hỏi (chúng) tôi phải nêu cao trách nhiệm cá nhân là điều bất khả thi.

Cùng với ý kiến trên, Chính phủ cũng nêu rõ quan điểm qua lời ông Liên rằng:  “Chính phủ tán thành với việc ghi nhận tại điều 4 về vị trí, vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng. Đồng thời, kiến nghị tập trung vào quy định về nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và việc cụ thể hóa nguyên tắc này trong dự thảo

Như vậy, mặc dù “tán thành với việc ghi nhận”  về sự lãnh đạo của đảng, quan điểm của Chính phủ vẫn là (phải) “tập trung vào quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và (tập trung vào) việc cụ thể hóa nguyên tắc này trong dự thảo”

Trong câu trên, chữ  “tập trung” ở vế sau có sức nặng hơn nhiều so với chữ  “ghi nhận” khá hời hợt ở vế trước. Thông thường, khi phải thỏa hiệp một vấn đề gì đó để đạt mục đích quan trọng hơn, người ta thường dùng chữ  “ghi nhận” thay vì dùng các chữ khác tạo ấn tượng mạnh hơn. Chẳng hạn từ trước đến nay hệ thống chính trị vẫn nói “khẳng định sự lãnh đạo của Đảng”.  Hình như đây là lần đầu tiên một quan chức cao cấp trong Chính phủ như  ông Liên chỉ ghi nhận vai trò lãnh đạo của đảng khi phát ngôn chính thức về vai trò này.

Việc tăng quyền hạn cho một thiết chế này tất nhiên sẽ không tránh khỏi làm giảm quyền hạn của thiết chế khác trong hệ thống chính trị. Vì vậy, người ta dễ suy đoán rằng “kiến nghị”  tăng quyền cho Chính phủ mà  ông Liên phát đi như đề cập ở trên có thể là để “đối phó” với luồng ý kiến khác cũng trong chính giới (tức là không phải “lề trái”) rằng cần phải tăng cường quyền lực hơn cho Chủ tịch nước trong quá trình thảo luận những nội dung cần sửa đổi trong Hiến pháp 1992 vừa qua.

Điều người viết bài này quan tâm  không phải là nên tăng quyền cho ông này hay giảm quyền của ông kia mà điều quan trọng hơn nhiều là việc tăng hay giảm quyền theo chiều hướng này hay chiều hướng khác có  làm cho các quyền cơ bản của công dân, ví dụ cụ thể hơn là các quyền con người và quyền sở hữu đất đai được cải thiện hơn, nếu không được đảm bảo 100% thì chí ít cũng làm cho mức độ vi phạm giảm đi so với hiện tại.

Ở khía cạnh này thì Chính phủ hình như  đã tận dụng cơ hội góp ý sửa đổi Hiến pháp lần này tốt hơn các “thiết chế” khác để “quảng bá” cho mình trước nhân dân khi đồng thời với việc đòi tăng quyền hạn cho mình, cũng cho rằng các quyền con người, quyền cơ bản của công dân (phải) được bảo đảm thực hiện bằng Hiến pháp và luật, đồng thời cũng chỉ có thể bị hạn chế bằng luật , rằng “việc thu hồi đất chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà không quy định nhà nước thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân vì lý do “các dự án phát triển kinh tế – xã hội”  (những chữ  đáng chú ý được người viết bài này in đậm)

Nhưng tất cả mới chỉ là trên giấy, điều quan trọng là chúng sẽ được thực hiện trong thực tế như thế nào ngay cả khi quan điểm trên  sẽ được thể hiện trong Hiến pháp mới đi chăng nữa.

Chẳng hạn như liệu có thể tin rằng nếu trao nhiều quyền hạn hơn cho chính phủ hay các cơ quan tư pháp thì sẽ không có, hoặc sẽ có ít hơn những bản án tương tự như bản án kết tội hai sinh viên yêu nước Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha ngày hôm qua?

Hahien’s Blog

  ____________________________________________________________

(*)  Bấm vào ĐÂY để đọc toàn văn bài trên VnExpress

7 Responses to Thấy gì qua những kiến nghị sửa đổi Hiến pháp của Chính phủ?

  1. anhbasam says:

    Về Chủ tịch nước, Thủ tướng có lẽ VN ta nên theo Ấn Độ, Đức, Ý, Singapore,… và như vậy Thủ tướng phải là Tổng bí thư Đảng (nên đổi thành Chủ tịch Đảng), Chủ tịch nước (nên đổi là Tổng thống) và mặc nhiên là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc.

  2. Pingback: Tin thứ Bảy, 18-5-2013 « BA SÀM

  3. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Bảy, 18-5-2013 | doithoaionline

  4. Pingback: Tin thứ Bảy, 18-5-2013 | Dahanhkhach's Blog

  5. Pingback: *** TIN NGÀY 18/5/2013 -Thứ Bảy « ttxcc6

  6. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ BẢY 18-5-2013 | Ngoclinhvugia's Blog

  7. Pingback: Bản Tin Ngày 17/05/2013 | Huynh Đệ Hiệp Thông Chia Sẻ

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.