AI vất vả, ai thiệt hại?

 

Hà Văn Tiện
(Tác giả gửi Blog Hahien)

Ông Nguyễn Đức Kiên (Ảnh: Internet)

Ngày 07/9/2017, tại cuộc tọa đàm về BOT do báo CAND tổ chức, ông TS Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế Quốc hội nói rằng các trạm BOT không thu phí đối với người đi xe đạp, xe máy (mặc định là người nghèo) cho nên “không ảnh hưởng gì đến những người đó”.

Mấy ngày sau, tranh biện với những người bảo rằng trong giá cả hàng hóa có phần chi phí vận tải trong đó có phí BOT, như vậy là ảnh hưởng đến mọi người không phân biệt giàu nghèo, ông Kiên có uốn giọng hơn, ông bảo việc ấy “không ảnh hưởng… trực tiếp” đến người nghèo. Như vậy “không ảnh hưởng gì” với “không ảnh hưởng trực tiếp” là giống nhau, chỉ khác nhau về …chữ nghĩa thôi.

Chuyện về BOT các chuyên gia, nhà quản lý, dư luận nói nhiều rồi, không đấu thầu mà chỉ định thầu, làm đường tránh rồi đặt trạm ở vị trí “cổ họng” trên đường chính để nuốt phí, đi một đường phải trả phí cao để bù đắp cho đường bên cạnh, rồi khoảng cách các trạm thu phí gần nhau (ông Bộ trưởng GTVT còn ngạc nhiên không biết mọc ở đâu ra quy định khoảng cách tối thiểu giữa hai trạm thu phí ), mức phí vừa cao lại vừa không tương thích giữa các con đường…, mình xin không bàn thêm ở đây các nội dung ấy nữa mà chỉ lăn tăn nghĩ xem ai là người vất vả, ai là người thiệt hại từ cái chuyện này?

Thấy ông Kiên thương các bạn ngồi thu phí phải khó nhọc đếm tiền lẻ, ghét các bạn lái xe gây khó dễ, ghét các doanh nghiệp vận tải được đi đường tốt, đi nhanh tiết kiệm xăng dầu, tiết kiệm thời gian mà lại còn không chịu chia sẻ lợi ích dôi ra ấy cho cộng đồng, thì thấy ông Đại biểu Quốc hội thương dân quá.

Bảo rằng các chị các em làm nhiệm vụ thu tiền vất vả là không đúng. Các chị em làm việc theo ca, hết giờ làm về nhà với chồng con, có ca khác thay, có ai bắt phải đếm nhanh đâu. Lại được các anh lái xe dừng tại trạm động viên hỏi han thông cảm. Thời gian làm việc vẫn thế, đâu có gì khác mà vất vả.

Bảo rằng các anh công an giao thông vất vả cũng không đúng. Các anh làm nhiệm vụ điều tiết giao thông cũng theo ca, hết giờ trực các anh về nhà với vợ con. Xe cộ qua trạm đều trật tự, không chen lấn xô đẩy, không va quệt gây tai nạn, trả xong tiền thì lăn bánh, các anh công an cả buổi không phải xử vụ nào, không phải viết một biên bản nào… Lương vẫn thế, thời gian làm việc vẫn thế, đâu có vất vả gì.

Vất vả là cánh lái xe. Nào là phải gom được tiền…lẻ, việc ấy mất khối thì giờ. Nào là chờ đợi các xe phía trước trả tiền, lâu phát sốt lên được. Rồi đến lượt mình, phải đếm tiền đưa cho các em thu phí, có nhanh được đâu. May là khi ấy trạm có mái che đỡ nắng, lại được trò chuyện với các em thì được an ủi phần nào.

Vậy ai là người thiệt thòi ? Người nghèo không thiệt, thế là ông Kiên yên tâm. Chỉ có cánh lái xe và doanh nghiệp vận tải là vừa vất vả vừa thiệt thòi,vẫn phải trả phí đủ thì xe mới được qua, có được lợi gì đâu. Lại còn thiệt hại vì bình thường qua trạm chỉ mất một phút, nay kể cả thời gian xếp hàng chờ lẫn thời gian trả tiền lên đến nửa tiếng, như thế thì còn làm ăn gì, trong khi thời gian là tiền bạc. Nhưng mà chính mình mua lấy cái vất vả ấy, các anh lái xe đừng có than vãn người ta cười cho. (Nói riêng chỗ này, thực ra các anh ấy không hề than vãn, vất vả thế mà vẫn tươi ra phết.)

Chắc vì thế nên ông Kiên mới bảo ông không bênh Bộ GTVT, không bênh các nhà đầu tư BOT, ông là đại diện cho nhân dân, chỉ bênh cái đúng thôi. Tài xế và doanh nghiệp vận tải tự gây chuyện, làm khổ chính mình, ông Kiên không bênh là phải?

H.V.T

2 Responses to AI vất vả, ai thiệt hại?

  1. Bố Ti Ngố says:

    Tác giả bảo đặt trạm thu phí ở “cổ họng” để nuốt phí, lão cứ hình dung cảnh con dê cụ sáng ra đứng ở cửa chuồng, cứ thấy con cáí nào thì nhảy lên “ín” một cái rồi mới cho đi qua. So sánh thế thì quả là có hơi khập khiễng, dù sao thì chị dê vẫn sướng, còn đi qua trạm BOT thì cậu lái xe đau như hoạn.

  2. Bố Ti Ngố says:

    Ông Kiên lấy ví dụ về quốc lộ 5, bảo rằng chạy đường cũ thì hết 3-3,5 giờ, nay chạy đường mới chỉ hết 1,5 giờ như thế nhà xe được lợi nhiều điều. Có ai phản đối kêu ca gì ở đường 5 cao tốc đâu.

    Ông Kiên không biết hoặc nhập nhằng giả vờ không biết là câu chuyện ở đường quốc lộ 5 vừa qua, người ta kêu ca phí thu ở đường cũ tăng vài trăm phần trăm, chứ đã có ai kêu ca chuyện thu phí trên đường quốc lộ 5 cao tốc đâu. Người ta thắc mắc vì cơ quan chức năng bảo rằng thu phí cao ở đường cũ để bù đắp cho chi phí làm đường mới, như thế là không đúng. Ông Kiên bảo như thế là đúng hay là sai ?

    Nếu ông cho rằng như thế là đúng thì lão xin lỗi nói hình ảnh hơi tục một tí, việc người đi đường cũ trả phí cao bù cho đường mới khác nào một thằng cầm…cu cho thằng khác đái.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: