Tiên sư anh tham nhũng!

 

Hà Văn Khà
(Tác giả gửi Blog Hahien)

Hình st trên mạng

Hình st trên mạng

Nước ta có một kho tàng khẩu hiệu trong hành trình xây dựng, cổ vũ, giáo dục,  động viên, thúc đẩy xã hội đi lên trong đó nhiều câu có nguồn gốc từ phát ngôn của các vị lãnh tụ, lãnh đạo.Trong kho tàng (ngân hàng) này, phần nội dung xây dựng  bộ máy và cán bộ công quyền, chống tham nhũng, chống lãng phí là phong phú và sâu sắc nhất.

Trước tiên phải nhắc đến những lời xúc tích kinh điển của Hồ Chủ tịch “Cần Kiệm Liêm Chính. Chí công, vô tư” và những câu đồng hành đã trở thành lời cửa miệng quen thuộc của nhiều người, từ lãnh đạo đến dân thường như “Cán bộ là đầy tớ của nhân dân” , “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” hay “Nói đi đôi với làm”.

Quân đội ta đã xác định “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, Công an thì “Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ” [*] – ngắn gọn và hòa bình hơn.

Trong công cuộc cải cách hành chính gần đây có câu “Sự hài lòng của người dân là thước đo chất lượng phục vụ của tổ chức”. Có một vị lãnh đạo đã nghĩ ra yêu cầu “3 Xin” trong ngôn ngữ tiếp dân của công chức hành chính “Xin chào! Xin lỗi! Xin Cám ơn!”

Trong từng lĩnh vực cụ thể khác có rất nhiều câu hay và rất dễ nhớ :

Về tiết kiệm, chống lãng phí thì các bác tài xế luôn nhớ “Yêu xe như con, quý xăng như máu”, người dân dùng điện, nước thì cần thực hiện “Tắt khi không sử dụng”.

Về chống lạm dụng tài sản công thì gần đây có người nói “Xe công không đi việc riêng”.

Chống bè phái, quyền lợi nhóm thì mới tháng trước có nghe chỉ đạo “Tìm người tài, không gài người nhà”.

V…v…

Được biết vừa qua, có một vị lãnh đạo đảng phụ trách công tác lý luận đưa ra ý tưởng có tính lý luận hết sức đột phá trong công cuộc chống tham nhũng hiện nay. Đó là phải xây dựng một nền văn hóa khinh bỉ tham nhũng, phải hình thành trong xã hội một nếp sống biết khinh bỉ sự tham nhũng…

Nội dung yêu cầu nói trên rõ ràng cần phải được tuyên truyền vận động sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Và tuyên truyền thì phải có khẩu hiệu thiết thực đi vào lòng người. Mình thử tham vấn mấy cụ cao tuổi cấp phường xem có nghĩ ra câu gì hay trong vụ này không ? Cụ nghễnh ngãng thì đưa tay lên ngang tai huơ huơ, cụ toét thì đưa tay ngang mắt xua xua. Có một cụ hử hả mãi mới phát ra được một câu nghe quen quen “Tiên sư anh tham nhũng!”.

H.V.K

____________________

[*]  Công an còn mới có khẩu hiệu ngắn gọn và hòa bình hơn mà tác giả bài này chưa cập nhật là “Công an chỉ biết còn đảng còn mình”  (HH)

5 Responses to Tiên sư anh tham nhũng!

  1. hahien says:

    Cụ Nam Cao ngày xưa nói “tiên sư anh Tào Tháo” hình như là một cách nói khen Tào Tháo hơn là khinh thì phải. Nói “tiên sư anh tham nhũng” có khi bọn tham nhũng nó lại tưởng được khen 🙂

    Đôi khi người ta buột mồm thốt lên “tiên sư ông!” hay “tiên sư mày!” hoặc “tiên sư cái lão ấy!” lại là thể hiện sự khâm phục một cách không ngờ trước một việc làm quá tốt hoặc một lời nói quá hay của ai đó (có ý như “xin chịu ông đấy!” hay dân dã hơn là “xin bó tay với mày!” chẳng hạn). Nếu chữ “tiên sư” cũng còn có nghĩa như thế thì thích hợp hơn để khen tặng kèm theo một tràng pháo tay cho ông tác giả của câu nói hay “phải xây dựng văn hóa khinh bỉ tham nhũng”

  2. Năm Gia Định says:

    “Tiên sư mày!” là chửi chữ. Chửi nôm là “Cái thằng thầy dạy mày!” hay gọn hơn là “Đồ mất dạy!”

    • hahien says:

      Hoặc cũng là một lời khen… đểu rằng cái thằng thầy mày… giỏi nhỉ ! Em nhớ ngày xưa, mỗi khi làm việc gì mà bố bảo “mày giỏi nhỉ!” thì cũng có nghĩa là sắp bị ông quất mấy roi vào đít 🙂

  3. Bố Ti Ngố says:

    “Tiên sư” là khen hay chửi là tùy vào ngữ cảnh. Cụ Nguyễn Du nói đến Thần Bạch Mi mà bảo rằng “Nghề này thì lấy ông này tiên sư” là chửi hay khen ? Còn “nghề tham nhũng” thì gọi ông nào là tiên sư ?

Gửi phản hồi cho Bố Ti Ngố Hủy trả lời

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.