Tám bước cho THP vào TPP

 

Hiệu Minh
Theo Blog Hiệu Minh

Cá lớn nuốt cá bé. Ảnh: Internet

Cá lớn nuốt cá bé. Ảnh: Internet

TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương) đã được Việt Nam đàm phán và đợi ký kết chính thức. Mục tiêu là nhằm giảm các loại thế nhập khẩu tới zero trong trao đổi hàng hóa.

Coca Cola, Pepsi vào thị trường Việt Nam cũng ngang với Dr. Thanh, Bia Gold hay nước tăng lực Number 1 của Tân Hiệp Phát (THP) vào thị trường Mỹ, hai bên cùng có cơ ngang nhau. Theo nhiều nhà quan sát quốc tế, trong số 12 nước TPP, Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất nếu biết sử dụng hiệu quả nguồn lực để xuất khẩu cũng như lôi được đầu tư nước ngoài.

Coca Cola và Pepsi có nhiều đường, gây béo phì và nhiều bệnh tật khác liên quan. Làn sóng phản đối Coca và Pepsi rộng khắp thế giới. Nguy của Coca là Cơ của Tân Hiệp Phát nếu sản xuất ra loại nước uống ít đường, hoặc không đường, nhưng lại có năng lượng cao thì chưa biết ai sẽ thắng ngay tại quê hương của Yankee nơi sinh ra nhiều thứ thống trị thế giới.

Được thành lập từ năm 1994, sau 20 năm phát triển, Tân Hiệp Phát đã dựng được một thương hiệu nước uống khá nổi tiếng, tồn tại song song với thương hiệu Mỹ tại quê nhà là một điều đáng kinh ngạc. Việc xâm nhập vào thị trường Mỹ đòi hỏi sự đầu tư chuyên nghiệp hơn và khi TPP chính thức có hiệu lực thì THP dễ có cửa thắng.

Chuyện không phải xa vời quá như lên mặt trăng. Người Mỹ quen Coca quá lâu rồi, họ thích cái mới, mà trà chanh hay olong đóng chai nếu được quảng bá tốt không béo nhưng lại khỏe thì chả có lý do gì cao bồi không rút đô la để thử “Hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai”.

Tuy nhiên, THP có thể thành công nếu trong một chai nước không có con…ruồi và những lùm xùm gần đây liên quan đến chất lượng, những vụ kiện tụng, lôi cả công an, VKS và tòa án vào cuộc,  mà lẽ ra chỉ là vấn đề dân sự thuần túy. Dư luận rầm rầm phản đối cách hành xử  cá lớn nuốt cá bé này của THP và đòi tẩy chay sản phẩm.

Có lẽ THP nên hiểu, khi đã thành giầu có và nổi tiếng, sẽ có những đối thủ cạnh tranh khốc liệt, tìm cách triệt hạ nhau bằng những đòn khá hiểm. Khi thì chai nước có cặn, lúc nắp bị rỉ, đôi lúc có con ruồi, con gián và khách hàng tìm cách moi tiền vì những chuyện không đâu.

Trước những sự kiện như thế, THP phải coi lại qui trình sản xuất xem có chỗ nào đáng nghi ngờ, chất lượng sản phẩm nhất là đồ uống sau nửa phút đã vào tới dạ dày, nếu có chất bẩn thì thảm họa khôn lường. Không thể đùa với an toàn sức khỏe của khách hàng. Và xử lý truyền thông là chìa khóa cho sự ổn định và thành công.

Thay vì xem nhà mình có vấn đề gì về chất lượng và đạo đức kinh doanh, THP đã chọn giải pháp ngon ăn là cho người dọa kiện vào tù. Với hệ thống pháp luật và công lý chông chênh thì kẻ nào có tiền sẽ thắng. Não trạng “công an trị” đã ăn sâu vào giới kinh doanh, cái gì không mua được bằng tiền, có thể mua được bằng rất nhiều…tiền.

Tuy nhiên, một nơi pháp luật thượng tôn thì kết quả khó đoán trước. Giả sử THP xuất khẩu Dr. Thanh sang Mỹ và bỗng có một khách hàng kiện trong chai có con gián chết. THP sẽ làm gì. Hứa sẽ đền 50 ngàn đô la, hẹn ra chỗ kín lấy và báo cảnh sát. Liệu có thành công như đã làm với Võ Văn Minh?

Năm 1994, bà Stelle Liebeck 79 tuổi mua một cốc coffee để trên đùi và uống trong xe hơi. Bà đánh đổ lúc rất nóng và đùi bị bỏng rộp, nằm 8 ngày trong bệnh viện, phải trồng lại da. Đòi lại sự thiệt hại, bà đã kiện McDonald và dư luận coi là trò cười. Kết quả Bồi thẩm đoàn đồng ý với mức đền bù 2,86 triệu USD nhưng sau đó chánh án giảm xuống 640.000USD.

McDonald và bà Liebeck đã thỏa thuận ngoài tòa (không biết là bao nhiêu) trước khi lệnh tòa có hiệu lực. McDonald cải thiện hình ảnh bằng cách in lên cốc dòng chữ “café rất nóng, bạn phải cẩn thận”. Ai có kiện thì họ sẽ chối bay, cảnh báo rồi đó mà không đọc thì thiệt vào thân. Starbucks Café cũng in một dòng cảnh báo tương tự để tránh kiện tụng từ khách hàng.

Chủ hiệu giặt ở Maryland. Ảnh: Internet

Chủ hiệu giặt ở Maryland. Ảnh: Internet

Tại Maryland, năm 2005, có vụ kiện 67 triệu USD vì cái quần bị mất trong hiệu giặt khô là hơi. Một đôi vợ chồng người Hàn Quốc là chủ hiệu không may khi giặt làm mất cái quần của ông Roy L. Pearson mà ông nói là mua mất 1000USD. Ông này kiện vì sự bất tiện mất quần, tâm lý thất thường. Tòa đã phán quyết không có chuyện 67 triệu đô la cho cái quần. Dù ông bà chủ hiệu giặt không mất triệu đô la nhưng khá tốn sức và tiền bạc tại tòa.

Chuyện black mail – tống tiến  ở đâu cũng có. Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể mà công ty cần giải quyết thông minh, giữ được uy tín và thương hiệu, không mất quá nhiều tiền, không bị ảnh hưởng tới sản xuất. Đó là những bài học khi tham gia TPP.

Từ THP đến TPP, từ chữ H đến chữ P, Tân Hiệp Phát phải qua 8 chữ cái nữa, tương đương với 8 bước, đôi khi là 8 tháng, 8 năm hay 8 thập kỷ tùy thuộc vào trí tuệ và tầm nhìn của ban giám đốc.

Với khẩu hiệu “Hôm nay phải hơn hôm qua nhưng không bằng ngày mai” nếu không hiểu luật lệ và đạo đức kinh doanh thì TPP sẽ còn xa vời “hôm nay không bằng hôm qua và ngày mai thì chưa biết thế nào.”

Hiệu Minh. 22-12-2015

Bonus. Vụ Pentium FDIV bug và khủng hoảng truyền thông của Intel có giá 500 triệu đô la

Còm sỹ Mike cung cấp. Thanks.

Năm 1994, một giáo sư tình cờ phát hiện ra lỗi nhỏ trong con chíp CPU Pentium của Intel. Lỗi này làm cho một số phép chia với số thập phân không chính xá. Vị GS này gửi thư cho Intel nhưng không được phản hồi liền đưa lên báo.

Pentium FDIV bug. Ảnh: Internet

Pentium FDIV bug. Ảnh: Internet

Intel phản ứng bằng cách xác nhận có biết lỗi khi một anh chàng thực tập sinh thử nghiệm nó, nhưng vì lỗi quá nhỏ nên không quan tâm. Dường như Intel muốn chứng tỏ mọi việc vẫn ổn, rằng chuyện ông GS nọ nói về lỗi tính toán là rất nhỏ, Intel ta đây biết nhưng không thèm sửa.

Hãng IBM, lúc đó đang là đối thủ chính của Intel, bắt đầu làm lớn chuyện, điều đó cũng dễ hiểu. Khách tiêu thụ phản đối. Hãng Microsoft cũng đòi không xài chip này. Thế là Intel quýnh lên,  sẵn sàng thay con chip sai sót cho bất kỳ ai yêu cầu.

Thực ra Intel đúng khi nói rằng lỗi này rất nhỏ. Ước tính cứ 9 tỉ phép tính chia floating point number mới sai một phép, sai số cũng rất nhỏ, 0.0001 chẳng hạn. Những thẩm định độc lập cũng công nhận ảnh hưởng của lỗi này không đáng kể, vì hầu hết người dùng không cần sự chính xác như vậy, phần đông khách hàng cũng chẳng buồn yêu cầu Intel thay chip.

Tuy nhiên vụ coi thường ý kiến này đã làm cho Intel bị thiệt hại gần 500 triệu USD. Giá như ngay từ đầu Intel tỏ ra khiêm nhường công nhận lỗi và sẵn sàng thay ngay cho những ai có yêu cầu. Nếu như biết xử lý khủng hoảng thì đâu nên nỗi.

6 Responses to Tám bước cho THP vào TPP

  1. Bố Ti Ngố says:

    Môt bước đã vấp thế này thì mong gì tám bước.

  2. Pingback: 💧💰🎓🌏🎭🎨🎵🎬 (5) | 真 忍 活

  3. Bố Ti Ngố says:

    “Người tiêu dùng” là khái niệm mơ hồ. chung chung. Nói rộng ra thì mọi người phải sống, ăn, mặc, chữa bệnh… đều là “người tiêu dùng”. Nói chính xác thì “người tiêu dùng” là người sử dung tiền của mình để mua hàng hóa cho nhu cầu của mình, tức là không tính đến những người không tiêu tiền như trẻ sơ sinh và các đối tượng không có tiền tương tự. Như thế cũng đã rất nhiều rồi, cả về số lượng, khác nhau từ a đến z về khả năng tài chính, nhu cầu, thói quen…
    Không ai có thể viện dẫn “người tiêu dùng” chung chung cho lý lẽ của mình, kiểu như “hàng tiêu dùng được người tiêu dùng ưa thích , bình chọn…”.

    Có một định nghĩa đùa cợt như sau : ” Người tiêu dùng là người dùng tiền không phải của mình, mua cái thứ mình không cần không thích để …tặng cho người khác.” Kiểu như dùng tiền chùa mua quà tặng các sếp nhân dịp năm mới v.v…

    Mình cũng là người tiêu dùng, nhưng chỉ là một cá nhân không đại diện cho ai. Mình có tiêu chí của mình, đó là mua cái gì an toàn và hợp với túi tiền. Không quan tâm đến hàng hóa ấy của VN hay của nước nào, không quan tâm đến nhà sản xuất có “đạo đức” hay không, có đóng thuế đủ hay trốn thuế v.v…, cũng không nghĩ rằng dùng hàng VN mới là yêu nước.

    Đồng thời cũng tôn trọng cách tiêu tiền của các bạn, không có ý kiến gì.

    • hahien says:

      Tiêu chí tiêu dùng của bác và của cao bồi nước Mỹ chắc cũng giống nhau: “trà chanh hay olong đóng chai nếu được quảng bá tốt không béo nhưng lại khỏe thì chả có lý do gì cao bồi không rút đô la để thử…” (trích trong bài).

      Và cũng chẳng riêng gì bác mà đấy cũng là tiêu chí tiêu dùng của em và cũng chắc là của đại đa số người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới cả thôi.

      Nhưng có lẽ tác giả Hiệu Minh chủ yếu đang bàn đến vấn đề khác chứ không phải chỉ bàn đến vấn đề “tiêu chí của người tiêu dùng”.

      • Bố Ti Ngố says:

        Đúng là Hiệu Minh bàn về chuyện khác, nhưng vì có nói đến THP, quanh việc này có nhiều ý kiến khác nhau, ví dụ anh Lãng có nói đến Coca với Pepsi chẳng “đạo đức” gì hơn THP, cho nên vui chuyện mà còm thôi.

      • hahien says:

        Cám ơn Bác.

        Ít nhất cho đến thời điểm này thì khác biệt giữa Coca hay Pepsi hay các doanh nghiệp khác ngay cả ở VN so với THP là họ chưa đẩy khách hàng hay đối tác của họ vào tù bằng việc gài bẫy để hình sự hóa những sự việc dân sự.

        Đấy có phải là vấn đề đạo đức hay không thì cũng tùy thuộc vào quan niệm của mỗi người.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.

%d người thích bài này: